Thừa Thiên Huế: HTX đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hình thành các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp hoàn thành bộ tiêu chí số 13 nâng cao thu nhập cho người dân.

Xuất phát từ ý nghĩa, mục đích thiết thực mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mong muốn mang lại cho người dân nông thôn. Có thể thấy, kinh tế tập thể đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tiến tới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương

Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong kế hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, tỉnh Thừa Thiên đang tập trung xây dựng mô hình thí điểm "Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại thôn Ngư Mỹ Thạnh".

HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi được thành lập giúp hoạt động du lịch của địa phương bài bản hơn.

HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi được thành lập giúp hoạt động du lịch của địa phương bài bản hơn.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Tuấn Anh, huyện rất khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị, tiềm năng về đầm phá; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương. Trong đó, nổi bật là mô hình của HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi.

Trước đây, các mô hình dịch vụ du lịch ở đây chủ yếu tự phát mạnh ai nấy làm, nhưng từ cuối năm 2021, HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi được thành lập đã giúp 30 thành viên hoạt động bài bản hơn, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang, nhờ đó thu nhập cũng tăng cao.

Ông Văn Hữu Sang, Giám đốc cho biết, Quảng Điền có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng khi có vùng đầm phá Tam Giang trải dài với diện tích 3.500ha mặt nước; diện tích rừng ngập mặn tập trung gần 50ha chủ yếu ở Quảng Lợi. Về dịch vụ lưu trú, được sự hỗ trợ của huyện mỗi hộ 30 triệu đồng, đến nay người dân trong thôn đã hoàn thành 10 phòng homestay sẵn sàng đón khách. Một điểm checkin giữa đầm phá Tam Giang cũng vừa được xây dựng xong nhằm thỏa mãn sở thích chụp ảnh, ngắm hoàng hôn cho giới trẻ. Cùng với đó, địa phương cũng đang tổ chức vệ sinh môi trường, trang trí lại các điểm đến sẵn sàng đón khách.

Các thành viên trong HTX sẽ kết nối, tổ chức cho du khách các tour tham quan làng bích họa, làng rau, làng nghề mây tre đan, các điểm di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện. Từ đó, hình thành các tour tuyến du lịch trải nghiệm như gieo cấy lúa, trồng hoặc thu hoạch hoa màu, bủa lưới, thả lừ, bắt trìa, chèo thuyền SUP trên đầm phá… để du khách hiểu biết thêm về đời sống lao động, sinh hoạt và văn hóa của người dân Quảng Điền.

Ông Hồ Văn Huy, thành viên HTX phấn khởi cho biết: “Được sự hỗ trợ của UBND huyện 30 triệu đồng, gia đình chúng tôi vừa sửa sang lại căn phòng khang trang đón khách ở lại qua đêm. Gia đình cũng được HTX hướng dẫn cách thức đón khách, đưa khách đi tham quan trải nghiệm và làm các món ẩm thực phục vụ du khách”.

“Điểm tựa” xây dựng nông thôn mới

Nhiều mô hình kinh tế gắn với sản phẩm truyền thống đã tăng thu nhập đáng kể cho người dân tại các địa phương của tỉnh Thừa Thiên Huế. Chẳng hạn, thương hiệu khoai bột rau má Quảng Thọ, gạo chất lượng cao Phú Hồ, Gạo ngon Thủy Thanh… đã có uy tín trên thương trường. Qua đó nâng bình quân thu nhập đầu người lên 60 triệu đồng/năm.

HTX Quảng Thọ 2 nổi tiếng cả nước với sản phẩm rau má an toàn

HTX Quảng Thọ 2 nổi tiếng cả nước với sản phẩm rau má an toàn

HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) được biết đến là đơn vị thành công trong mô hình sản xuất, chế biến trà rau má, bột rau má matcha. Khi thành công với mô hình này đã tạo đà cho HTX hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị với một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Mới đây, HTX liên kết với Công ty CP Vật tư nông nghiệp tỉnh sản xuất lúa chất lượng cao. HTX làm khâu trung gian hợp đồng giúp cho hộ thành viên được cung ứng đầu vào, bao gồm thóc giống, vật tư nông nghiệp theo quy trình sản xuất. Đến vụ thu hoạch, phía công ty thu mua thóc thịt với giá cao hơn 500 đồng/kg so với các loại thóc Khang dân, TH5.

Ngoài tổ chức sản xuất, HTX còn tham gia công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Từ đó, vai trò, vị trí của HTX ngày được nâng lên. Mối quan hệ giữa hộ thành viên và HTX ngày càng gắn bó, xem HTX là chỗ dựa làm đòn bẩy để phát triển kinh tế hộ, nâng cao thu nhập cho hộ nông dân bình quân từ 18 triệu đồng vào năm 2010 tăng lên đến nay hơn 60 triệu đồng.

Hay như, HTX Nông nghiệp Phú Hồ đã xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng cao Phú Hồ để bán ra thị trường, đem lại lợi nhuận cho người dân và HTX. Trong thời gian qua, HTX liên kết, hợp đồng với các doanh nghiệp trong tỉnh để tiêu thụ gạo, mạnh dạn đưa nhãn hiệu gạo an toàn Phú Hồ vào các siêu thị và được người tiêu dùng tin tưởng.

Tầm quan trọng của kinh tế tập thể

Thực tiễn xây dựng nông thôn mới Thừa Thiên Huế trong thời gian qua đã cho thấy, tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong việc hoàn thành tiêu chí việc nâng cao thu nhập cho người dân trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX đã chủ động mua sắm máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến đưa vào sản xuất, nên sản phẩm làm ra đạt chất lượng tốt, nhiều mặt hàng đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt, các HTX đã phát huy hiệu quả, tương trợ lẫn nhau trong sản xuất, cùng khai thác, tiêu thụ sản phẩm.

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Trần Lưu Quốc Doãn đánh giá, xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực trên địa bàn tỉnh đang dần dần hình thành và có chiều hướng tích cực. Các HTX đang bước đầu liên kết với các đơn vị khác đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để giải quyết đầu ra sản phẩm cho bà con. Từ đó, tránh được tình trạng tư thương ép giá, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho bà con địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhiều HTX thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản phẩm gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đạt kết quả bước đầu. Nhiều mô hình sản xuất mới có hiệu quả được nhân rộng, đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển trên cả ba mặt diện tích, năng suất và giá trị sản xuất. Tại một số địa phương bước đầu hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp (mía, mì), vùng sản xuất cây ăn quả đặc thù (nho, táo), vùng sản xuất tập trung cấy lúa hai vụ... Từ đó, phong trào xây dựng nông thôn mới từ các mô hình kinh tế tập thể, HTX ngày một lan tỏa ở Thừa Thiên Huế.

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/thua-thien-hue-htx-di-tien-phong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-1095235.html