Thừa Thiên Huế nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025
Với tinh thần chủ động và quyết tâm cao, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) trên địa bàn tỉnh góp phần giải quyết những khó khăn bức thiết, phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Ngày 21/01/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 253/QĐ-UBND về thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch 302/KH-UBND ngày 18/8/2022 về thực hiện Chương trình, giao nhiệm vụ cho các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh chủ trì, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình. UBND tỉnh đã hướng dẫn, chỉ đạo các huyện thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn, định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện cho các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần cấp tỉnh; các cơ quan chủ trì dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần tổng họp báo cáo cho cơ quan Thường trực Chương trình.
Cùng với đó, HĐNĐ tỉnh đã kịp thời ban hành các nghị quyết quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện trên địa bàn: Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND ngày 14/7/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025; Nghị quyết 26/2023/NQ-HĐND ngày 7/12/2023 quy định mức hỗ trợ ngân sách nhà nước thực hiện phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 61/NQ-HĐND ngày 16/7/2024 về việc điều chỉnh kế hoạch 2024 vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thừa Thiên Huế…
Ngoài ra, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 454/KH-UBND ngày 6/12/2022 về truyền thông Chương trình, trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện (trong đó có huyện Nam Đông) đã cụ thể hóa thành kế hoạch truyền thông thực hiện Chương trình phù hợp thực tiễn. Ban Dân tộc tỉnh, UBND các huyện đã chủ động, phối hợp triển khai công tác tuyên truyền thường xuyên, rộng khắp bằng nhiều hình thức trực quan: pano, phóng sự trên đài truyền hình, trang tin trên Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tuyên truyền trên các hội nghị,… nhằm tuyên truyền sâu rộng, giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi hiểu được ý nghĩa của Chương trình tạo sự đồng thuận xã hội.
Năm 2022, tổng vốn tỉnh được giao để thực hiện Dự án 1 là 31.824 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 7.964 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 3.309 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 4.655 triệu đồng); vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 23.860 triệu đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện là 30.498 triệu đồng, đạt 95,8% kế hoạch, giải ngân 28.415 triệu đồng, đại 89,3% kế hoạch.
Năm 2023, tổng vốn tỉnh được giao để thực hiện Dự án là 104.420 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương là 61.518 triệu đồng (vốn đầu tư phát triển: 48.584 triệu đồng, vốn sự nghiệp: 12.934 triệu đồng); ngân sách tỉnh là 14.580 triệu đồng (theo các nghị quyết của HĐND tỉnh); vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 8.420 triệu đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện là 98.420 triệu đồng, đạt 90,4% kế hoạch, giải ngân 85.000 triệu đồng, đại 81,4% kế hoạch.
Về hỗ trợ nhà ở: tổng số hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở cho 1.162 hộ với tổng số vốn là 70.152 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 46.480 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 15.272 triệu đồng, ngân sách huyện là 672 triệu đồng, nguồn vốn huy động khác là 8.420 triệu đồng).
Về hỗ trợ chuyển đổi nghề: tổng số hộ gia đình được hỗ trợ cho 853 hộ với tổng số vốn là 8.530 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 8.530 triệu đồng), đã giải ngân 4.994 triệu đồng
Về hỗ trợ nước sinh hoạt: tổng số hộ gia đình cần hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán là 840 hộ, tổng số hộ gia đình cần hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung và thực hiện hỗ trợ 01 nước sinh hoạt tập trung cho 500 hộ với tổng số vốn là 6.434 triệu đồng (ngân sách Trung ương là 5.434 triệu đồng, ngân sách tỉnh là 1.000 triệu đồng), đã giải ngân 5.866 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện một số công trình được phân vốn từ Dự án 1 khởi công trong các năm 2022 và 2023: Dự án san gạt mặt bằng thôn 5 thuộc xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà với tổng mức đầu tư 1.000 triệu đồng, đã giải ngân 100% vốn, đang rà soát dự kiến bố trí hỗ trợ đất ở cho 14 hộ thuộc diện hộ nghèo. Công trình nước sinh hoạt xã Trung Sơn, huyện A Lưới với tổng mức đầu tư 3.914 triệu đồng (trong đó ngân sách Trung ương: 2.914 triệu đồng, ngân sách tỉnh: 1.000 triệu đồng) hỗ trợ cho khoảng 500 hộ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 43.762 triệu đồng để thực hiện Dự án 1, với 1.049 lượt khách hàng được vay vốn, trong đó: cho vay hỗ trợ nhà ở là 34.064 triệu đồng với 855 lượt khách hàng được vay vốn; cho vay chuyển đổi nghề là 9.702 triệu đồng với 194 lượt khách hàng được vay vốn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục: Việc rà soát đối tượng thụ hưởng Chương trình vẫn còn nhầm lẫn với đối tượng thuộc chương trình giảm nghèo. Địa phương chưa thực hiện được việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS và miền núi (do không còn quỹ đất; chưa thu hồi được đất cho doanh nghiệp thuê để xem xét hỗ trợ cho các hộ dân thuộc đối tượng Dự án 1). Việc định hướng chuyển đổi nghề DTTS và miền núi tại địa phương còn lúng túng, hiệu quả chưa cao (một số nông sản do đồng bào các DTTS sản xuất khó tiêu thụ, chưa tìm được đầu ra). Một số ít cán bộ, công chức các cơ quan (nhất là cấp xã) trình độ năng lực còn hạn chế, chưa nắm chắc nội dung các văn bản hướng dẫn nên tổ chức thực hiện còn bị chậm so với yêu cầu tiến độ chung. Việc giải ngân thực hiện các nội dung thuộc Dự án 1 còn chậm.
Để triển khai thực hiện Chương trình đúng tiến độ và đạt hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần rà soát, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh phân bổ, cân đối nguồn vốn phân bổ giữa các nội dung thành phần, các địa phương theo hướng phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu và khả năng giải ngân của từng sở, ngành, địa phương, trong đó, ưu tiên các xã, thôn khó khăn nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ vướng mắc, triển khai thực hiện các dự án quan trọng cũng như các nội dung hỗ trợ trực tiếp về nhà ở, chuyển đổi nghề, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, góp phần hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về thu nhập bình quân, chỉ tiêu về giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất một cách bền vững tại vùng đồng bào DTTS và miền núi.