Thừa Thiên – Huế: Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý vi phạm về khai thác khoáng sản tại Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Thanh tra Chính phủ vừa công bố thông báo Kết luận Thanh tra số 1948/TB-TTCP, về thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Thi công điểm sạt trượt trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Thi công điểm sạt trượt trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn (thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020) nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên - Huế do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án).

Nhằm đáp ứng tiến độ dự án hoàn thành vào năm 2021 theo yêu cầu của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung tối đa để triển khai. Trong đó, về vật liệu xây dựng phục vụ dự án, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh nơi có dự án đi qua chỉ đạo các ban, ngành chức năng của địa phương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các Ban Quản lý dự án, tư vấn để thống nhất vị trí mỏ vật liệu đảm bảo dù trữ lượng, chất lượng, ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh thủ tục cấp hoặc gia hạn giấy phép khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án.

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những thiếu sót, vi phạm đối với Bộ Giao thông vận tải trong công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác. Một số mỏ có trong thiết kế, nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới. Một số mỏ đá, cát thực tế không cung cấp, hoặc cung cấp ít hơn khối lượng thiết kế, làm tăng chi phí vận chuyển do điểm mỏ cung cấp vật liệu xa hơn, ảnh hưởng thời gian thi công của một số gói thầu, chậm tiến độ của dự án, dẫn đến thiếu nguồn cung cấp vật liệu đất đắp nền đường khi thực hiện dự án.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông vận tải giao làm đại diện chủ đầu tư thực hiện dự án, chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn (Liên danh Tổng Công ty Tư vấn giao thông vận tải - CTCP, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải 4 và Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình giao thông 5; Liên danh Công ty Cổ phần Tấn Phát và Công ty Cổ phần Xây dựng VNC; Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn) trong việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công. Trách nhiệm thuộc về các đơn vị tư vấn và Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị chưa thực hiện triệt để Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 của Chính phủ về ưu tiên trong việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Phê duyệt bổ sung quy hoạch đối với một số mỏ khoáng sản và mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh khi chưa lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành theo quy định. Cấp phép khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp không có trong quy hoạch, không làm các thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường là không đúng theo quy định tại khoản 2 Điều 53 và khoản 1 Điều 59 Luật Khoáng sản.

Thông báo Kết luận Thanh tra chỉ rõ: Các cơ quan chức năng của tỉnh Thừa Thiên – Huế chậm cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ theo nhu cầu, tiến độ của dự án, phê duyệt bổ sung quy hoạch thời gian kéo dài. Việc ưu tiên trong cấp phép khai thác vật liệu cho nhà thầu thi công dự án chưa được chú trọng, ảnh hưởng tiến độ cung cấp cho dự án: Việc cấp phép khai thác và nâng công suất một số mỏ đất chưa được kịp thời, dẫn đến một số mỏ khi được cấp phép thì thời điểm thi công đắp nền đường đã kết thúc.

Cho phép doanh nghiệp tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (mỏ đất tại thôn Phường Hóp) khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất chưa có hướng xử lý; Kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác theo Nghị quyết số 60/NQ-CP và số 133/NQ-CP của Chính phủ (Mỏ đá Khe Phèn của Công ty TNHH Coxano Hương Thọ).

Kiểm tra, giám sát, bổ sung giá đất đắp nền đường khi có thông tin về giá vật liệu đất đắp được bán với giá cao hơn giá được công bố chưa được thực hiện; Thông báo giá vật liệu đất san lấp chung cho các mỏ cấp phép thuộc khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản và các mỏ cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Chưa chỉ đạo thông báo giá vật liệu đất đắp K95, K98 để quản lý giá vật liệu đất đắp cung cấp cho Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Từ những hạn chế, thiếu sót trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế chưa đảm bảo chính xác về nguồn cung cấp vật liệu (khối lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật) phục vụ dự án dẫn đến thiếu vật liệu đất đắp nền đường trong quá trình thi công. Xử lý nghiêm các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn đã để xảy ra sai sót trong công tác điều tra, khảo sát nguồn cung vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Chỉ đạo tiến hành kiểm tra, xác định cụ thể nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thi công các gói thầu xây lắp của dự án để xử lý theo quy định, thực hiện đúng các quy định về quản lý đầu tư xây dựng dự án. Trong đó, tập trung vào các gói thầu xây lắp bị chậm tiến độ không liên quan đến vật liệu đất đắp nền đường; xử lý nghiêm đối với các nhà thầu thi công cầm chừng không đảm bảo tiến độ được phê duyệt.

Trước đó, ngày 18/8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến tại Văn bản số 6366/VPCP-VI của Văn phòng Chính phủ về Kết luận Thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế cung cấp cho dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn.

Nội dung văn bản yêu cầu: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; báo cáo kết quả thực hiện đến Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện xử lý sau thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/11/2023.

Dự án xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được giao quản lý dự án.

Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn chiều dài trên 98km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Trị có chiều dài 37,3km và đoạn qua tỉnh Thừa Thiên - Huế dài 61km, với tổng mức đầu tư của dự án 7.669 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu ở huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và điểm cuối ở La Sơn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), trùng với điểm đầu Dự án La Sơn - Túy Loan.

Giai đoạn đầu, dự án đầu tư với quy mô 2 làn xe, bề rộng nền đường là 12m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23m. Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn được khánh thành, đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022.

Miền Trung

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thua-thien-hue-thanh-tra-chinh-phu-kien-nghi-xu-ly-vi-pham-ve-khai-thac-khoang-san-tai-du-an-cao-toc-cam-lo-la-son-360063.html