Thừa Thiên - Huế thực hiện di dời các hộ dân ở thượng thành di tích Huế
Tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt một số nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự án di dời các hộ dân khu vực I di tích Kinh thành Huế; hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để thực hiện di dời các hộ dân sống ở khu vực thượng thành từ tháng 10/2019.
Theo đó, tỉnh sẽ di dời, giải phóng mặt bằng 4.201 hộ. Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ năm 2019-2021) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (với 2.938 hộ); giai đoạn 2 (từ năm 2022-2025) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (với 1.263 hộ).
Để việc di dời các hộ dân đúng tiến độ, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang thông báo thu hồi đất, tổ chức hội nghị gặp gỡ các hộ dân; kiểm kê nhà ở, tài sản; xác nhận nguồn gốc nhà và đất để thẩm định, công khai, phê duyệt đền bù cho người dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ, đây là vấn đề lịch sử để lại nên chính quyền các cấp phải nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách "thấu tình, đạt lý". Đối với các trường hợp sử dụng đất trước ngày 19/5/1976 hoặc có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất, các hộ dân sẽ được bồi thường theo quy định hiện hành. Các trường hợp người dân sử dụng đất lấn, chiếm; đất được giao không đúng thẩm quyền vẫn được hỗ trợ lớn khi di dời, giải tỏa theo khung chính sách do UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế xây dựng. Bước đầu, qua các cuộc gặp gỡ, đối thoại cơ chế, chính sách đối với các hộ phải di dời, người dân trong phạm vi dự án có sự đồng thuận, ủng hộ cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, khung chính sách các hỗ trợ này nhìn chung bằng hoặc cao hơn mức hỗ trợ theo Quyết định số 37/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, theo khung chính sách này, các hộ gia đình, cá nhân khi được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản là nhà ở và công trình xây dựng khác, có số tiền bồi thường, hỗ trợ nhỏ hơn 120 triệu đồng, mà phải di chuyển chỗ ở đến nơi tái định cư mới thì được hỗ trợ thêm cho đủ 120 triệu đồng để có điều kiện làm nhà ở nơi mới.
Với các gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống trong một hộ, nếu đủ điều kiện tách hộ nhưng Nhà nước chưa cho tách hộ thì vẫn được hỗ trợ theo khung chính sách nêu trên. Một số hộ nếu trong giấy tờ đất có quy định không được đền bù, vẫn được hỗ trợ ngang 100% giá trị đền bù nếu có giấy tờ hợp lệ về quyền sử dụng đất. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên - Huế đặc biệt quan tâm đến các chính sách hỗ trợ khác (tái định cư, sinh kế, giáo dục, đối tượng chính sách, hộ nghèo-cận nghèo...) đối với người dân trong sự kiện di dời này. Các địa phương trong vùng di dời sẽ niêm yết văn bản hướng dẫn tại các phường, phân công cán bộ phường giải đáp thắc mắc kịp thời cho người dân. Với những trường hợp vướng mắc, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố Huế sẽ trực tiếp hướng dẫn, giải quyết.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến nay UBND tỉnh đã phê duyệt 2 dự án xây dựng khu tái định cư với tổng diện tích 9,88 ha, tổng mức đầu tư 116,6 tỉ đồng do Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực thành phố Huế làm chủ đầu tư. Cụ thể, trong năm 2019, tỉnh đã bố trí 105 tỉ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 1) diện tích 4,98 ha, tổng mức đầu tư 51 tỉ đồng. Đối với dự án Hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ (khu vực 2) diện tích 4,9 ha, tổng mức đầu tư 65,6 tỉ đồng. Cả 2 dự án này dự kiến bàn giao quỹ đất cho Ban quản lý dự án thành phố Huế trong tháng 9/2019.