Thừa Thiên Huế trong hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Thừa Thiên Huế đang hội đủ các yếu tố 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' trong phát triển và hội nhập quốc tế. Mới đây, với việc công bố Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thể hiện quyết tâm trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế, khoa học-công nghệ chuyên sâu.
Mở ra nhiều cơ hội phát triển
Theo quy hoạch mới, đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố festival, trung tâm văn hóa-du lịch, giáo dục, khoa học-công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Về các định hướng, tỉnh Thừa Thiên Huế ưu tiên phát triển, quy hoạch 3 trung tâm đô thị (đô thị trung tâm: TP Huế, quận Hương Thủy, thị xã Hương Trà; đô thị vùng Tây Bắc: Thị xã Phong Điền-Quảng Điền-A Lưới; đô thị vùng Đông Nam với các huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông); 3 hành lang kinh tế (hành lang kinh tế Bắc-Nam; hành lang kinh tế Đông-Tây; hành lang kinh tế đô thị hướng biển); 3 động lực tăng trưởng (TP Huế; Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; Khu công nghiệp Phong Điền); 5 khâu đột phá phát triển (phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh; hoàn thiện hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng viễn thông; phát triển kinh tế biển, đầm phá, hệ thống cảng biển nước sâu; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp năng lượng; thúc đẩy dịch vụ-du lịch, công nghiệp văn hóa, bảo tồn di sản cố đô Huế).
Trao các quyết định cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá tóm tắt quy hoạch Thừa Thiên Huế trong các từ: "Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững"; đồng thời khẳng định, việc quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xây dựng trên cơ sở phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, cũng như khắc phục những tồn tại, hạn chế. Nhấn mạnh Thừa Thiên Huế có vị trí chiến lược quan trọng, đặc biệt là cầu nối từ Bắc vào Nam, với truyền thống văn hóa, lịch sử, bản sắc riêng "rất Huế", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Việc phát triển Thừa Thiên Huế toàn diện là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản. Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý với tỉnh Thừa Thiên Huế 3 yếu tố quan trọng về tư tưởng chủ đạo trong công tác quy hoạch: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực, không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; quy hoạch phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, đất nước, thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, hai quy hoạch này có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, tạo hành lang pháp lý trong hoạch định chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhanh, toàn diện và bền vững, tạo không gian phát triển mới, khơi thông nguồn lực và khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh khác biệt của tỉnh; từng bước tháo gỡ những "điểm nghẽn”, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, quy hoạch của tỉnh Thừa Thiên Huế tương lai mở ra nhiều cơ hội phát triển không chỉ ở trung tâm TP Huế mà còn ở khu vực kinh tế biển, kéo dài từ Thuận An đến Chân Mây-Lăng Cô cũng như đô thị sân bay Phú Bài. "Tôi cho rằng, tiềm năng lớn nhất vẫn nằm ở Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Đặt trong mối tương quan với TP Đà Nẵng, đây sẽ là khu vực để hai địa phương đóng vai trò quan trọng nâng tầm khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, thế mạnh để bổ sung cho nhau. Với những nguồn lực sẵn có, Huế không chỉ tạo ra thế mạnh trong thu hút đầu tư mà còn thu hút người dân đến an cư lạc nghiệp tại đây".
Cam kết xây dựng môi trường đầu tư tốt
Trong hành trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cao hơn bình quân cả nước (5,05%). Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường; các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Cùng với đó, Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 6; Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) xếp thứ 14...
Đặc biệt, năm 2023, Thừa Thiên Huế dẫn đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) với điểm tổng hợp đạt 46,0414. Trong 8 chỉ số PAPI đưa ra, Thừa Thiên Huế có 4 chỉ số nằm trong tốp 10 toàn quốc (cung ứng dịch vụ công xếp thứ nhất; công khai, minh bạch xếp thứ 3; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công xếp thứ 3; quản trị môi trường xếp thứ 4); ngoài ra có 3 chỉ số nằm trong nhóm cao của toàn quốc. Rõ ràng, sự đánh giá khách quan, nghiêm túc, trung thực từ người dân thông qua chỉ số PAPI chính là thước đo khẳng định hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở Thừa Thiên Huế trong việc "lấp khoảng trống", khơi thông "điểm nghẽn" trong thực thi chính sách, pháp luật Nhà nước, quản trị địa phương, cung ứng dịch vụ công hướng tới cải thiện hiệu quả phục vụ nhân dân.
Với quy hoạch mang tính chiến lược, toàn diện cùng với nỗ lực tạo đột phá từ cải cách hành chính đã góp phần tạo ra cơ chế, chính sách thông thoáng, môi trường kinh doanh thuận lợi để các đối tác, nhà đầu tư trong và ngoài nước có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức ngày 6-4, đã có 21 doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế trao chứng nhận đầu tư 11 dự án, tổng vốn đầu tư 9.134 tỷ đồng; trao văn bản thống nhất chủ trương nghiên cứu đầu tư đối với 10 dự án với tổng vốn đăng ký 113.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, tỉnh đã tổ chức khởi công, khánh thành nhiều công trình trọng điểm như: Khởi công Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế 2; khởi công Dự án đầu tư xây dựng bến tổng hợp-container số 4 và 5 cảng Vsico Chân Mây (Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô); khánh thành Nhà máy Điện rác Phú Sơn... đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu mới vượt sông Hương; công trình cầu bắc qua cửa biển Thuận An nối phường Thuận An và xã Hải Dương (TP Huế)... Theo đánh giá của các nhà đầu tư, với bản quy hoạch chi tiết và nhất quán, có cơ sở pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước hợp lực đưa Thừa Thiên Huế tiếp tục cất cánh, mạnh hơn và xa hơn. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG cam kết: "Với vai trò của một đối tác tin cậy đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đưa những thế mạnh trong lĩnh vực dịch vụ khách sạn và nghỉ dưỡng, hệ thống bán lẻ, sân golf... góp sức đưa Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến đáng sống, vừa có bề dày văn hóa và lịch sử, vừa là một thành phố văn minh, hiện đại, đẳng cấp có đủ sức cạnh tranh trong khu vực".
Quy hoạch mới đã mở ra không gian phát triển mới, cơ hội mới. "Tỉnh cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư và mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải là “người thật, việc thật, làm thật”, chung sức, đồng lòng với địa phương sớm hiện thực hóa các quy hoạch, trên tinh thần chân thành, tin cậy và hiệu quả", đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định.