Thừa Thiên – Huế: Trung tâm du lịch lớn, đặc sắc của cả nước

Trong gần 400 năm (1558-1945), Huế từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn.

Nằm trên các trục giao thông quốc gia như đường sắt, đường bộ Bắc - Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, có cảng hàng không quốc tế Phú Bài, cửa khẩu quốc gia A Đớt, Hồng Vân, hải cảng Thuận An, đặc biệt, có cảng nước sâu Chân Mây là cửa ngõ ra biển ngắn nhất và thuận lợi nhất của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông; bên cạnh đó sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên và có bề dày truyền thống lịch sử- văn hóa, Thừa Thiên - Huế thật sự là nơi lý tưởng để phát triển du lịch.

Cố đô Huế ngày nay vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Suốt mấy thế kỷ, bao nhiêu tinh hoa của cả nước được chắt lọc hội tụ về đây, hun đúc cho một nền văn hóa đậm đà bản sắc để hoàn chỉnh cho một bức cảnh thiên nhiên tuyệt vời sẵn bày sông núi hữu tình thơ mộng.

Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những thành quách, cung điện vàng son, những đền đài miếu vũ lộng lẫy, những lăng tẩm uy nghiêm, những danh lam cổ tự trầm tư u tịch, những thắng tích thiên nhiên thợ trời khéo tạc...

Hoàng cung triều Nguyễn, điểm đến của du khách tham quan trong và ngoài nước

Hoàng cung triều Nguyễn, điểm đến của du khách tham quan trong và ngoài nước

Theo các nhà nghiên cứu, các giá trị di sản văn hóa nơi đây vừa hội tụ những đặc trưng và tinh hoa của văn hóa dân tộc, vừa thể hiện nét riêng hấp dẫn của một vùng văn hóa. Văn hóa Huế phong phú và đa dạng, bao gồm: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, môi trường,...

Đặc biệt, với Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế - Di sản văn hóa thế giới, Thừa Thiên - Huế là Trung tâm của con đường hành trình di sản văn hóa thế giới của Việt Nam: Hạ Long - Phong Nha - Huế - Hội An - Mỹ Sơn - đường Hồ Chí Minh đã tạo ra sự liên kết về du lịch với các tuyến du lịch ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam,...

Thừa Thiên - Huế còn lưu giữ được giữa lòng đô thị Huế nhiều nhà vườn, phố cổ mang nét đặc trưng của vùng đất cố đô ở Vĩ Dạ, Kim Long, Gia Hội, Bao Vinh. Đặc biệt, Thừa Thiên Huế là nơi lưu giữ nhiều di chỉ, hiện vật cổ của nền văn hóa Chăm. Mặt khác, đây cũng là nơi có truyền thống cách mạng oanh liệt, còn giữ nhiều di tích liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà cách mạng tiền bối và nhiều địa danh lịch sử về hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như: chiến khu Dương Hòa, Hòa Mỹ, A Lưới, đường mòn Hồ Chí Minh…

Một ngôi nhà vườn Huế

Một ngôi nhà vườn Huế

Vùng đất Thừa Thiên - Huế còn nổi tiếng với nghệ thuật ẩm thực, các sản phẩm làng nghề và lễ hội dân gian mang đậm bản sắc dân tộc như lễ hội Cầu Ngư, Ðiện Hòn Chén, hội đua thuyền sông Hương và đặc biệt là Festival Huế tổ chức định kỳ hai năm một lần, hội tụ những nét văn hóa tiêu biểu của Huế, Việt Nam và các nước, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và ngoài nước...

Bên cạnh đó, Huế là một trong số ít địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch tâm linh. Một loại hình du lịch hấp dẫn, đem lại giá trị kinh tế và có tác động tích cực đến môi trường, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần ổn định an sinh xã hội. Các điểm đến tâm linh ở Huế được hình thành một cách tự nhiên, do sự tích hợp lâu dài của quá trình phát triển lịch sử, của đời sống xã hội, tín ngưỡng và tôn giáo.

Ngoài hệ thống lăng tẩm triều Nguyễn, Thừa Thiên - Huế hiện có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ; trong đó, có những ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng từ hàng trăm năm như các chùa Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiền Tôn, Tra Am, Vạn Phước…

Những ngôi cổ tự không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên, mà còn là một địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc, là tiềm năng, lợi thế sẵn có để khai thác du lịch tâm linh. Bên cạnh đó, xuất phát từ nền tảng của những lễ hội truyền thống mang đặc trưng đời sống tính ngưỡng của người Huế, các lễ hội hàng năm như: lễ hội điện Hòn Chén, lễ vía Phật Bà, lễ hội đền Huyền Trân, lễ Phật Đản… đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.

Giá trị văn hóa các dân tộc miền Thừa Thiên – Huế ngày càng hấp dẫn du khách

Giá trị văn hóa các dân tộc miền Thừa Thiên – Huế ngày càng hấp dẫn du khách

Du lịch cộng đồng được xem là một loại hình du lịch bền vững giúp thúc đẩy các chiến lược xóa đói giảm nghèo trong môi trường cộng đồng với mục tiêu thu hút sự tham gia của người dân địa phương trong các sản phẩm du lịch, tạo ra sinh kế đồng thời khuyến khích tôn trọng các truyền thống văn hóa cũng như các di sản thiên nhiên tại địa phương. Có được điều đó là bởi du lịch cộng đồng có sự liên kết của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, cơ quan bảo tồn, các công ty du lịch, hãng lữ hành, các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt là cộng đồng địa phương và khách du lịch.

Cầu ngói Thanh Toàn được xem là một trong những địa điểm tổ chức du lịch cộng đồng khá thành công ở Thừa Thiên Huế và là điểm đến của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước mỗi kỳ Festival Huế. Với các tour du lịch cộng đồng tham quan cầu ngói Thanh Toàn, du khách có thể tiếp cận các sản phẩm du lịch như tham quan đình làng, nhà thờ cổ, bơi thuyền, trải nghiệm đời sống, làm nón lá, gói bánh tét, thưởng thức ẩm thực từ các sản vật của địa phương... Làng cổ Phước Tích với hệ thống các đình chùa, miếu, nhà cổ, di tích Chăm pa và nghề gốm truyền thống.

Làng cổ Phước Tích đã thu hút được sự chú ý của nhiều đơn vị lữ hành du lịch trong việc đưa khách về tham quan, lưu trú tìm hiểu, khám phá văn hóa, kiến trúc, đời sống của làng, chương trình phục hồi nghề gốm cổ của làng cũng được khởi động. Ở đây, các du khách đã cùng người dân làm bánh ướt, bánh ngọt và món mứt Tết nổi tiếng ở Phong Hòa, vốn được du khách người nước ngoài đến từ Pháp, Nhật Bản thích thú.

Trải nghiệm sóng nước phá Tam Giang

Trải nghiệm sóng nước phá Tam Giang

Ngoài các lợi thế trên, Thừa Thiên Huế là nơi hội tụ các tiềm năng thế mạnh về biển, đồng bằng, gò đồi, rừng núi; có bờ biển dài 128km, với nhiều bãi biển đẹp như Lăng Cô (vừa được công nhận là thành viên của câu lạc bộ những vịnh biển đẹp nhất thế giới), Thuận An, Cảnh Dương và đặc biệt là hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích gần 22.000ha, thuộc vào loại lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Với di sản văn hóa thế giới, với cảnh quan thiên nhiên, cùng với những danh lam thắng cảnh như sông Hương, núi Ngự, Bạch Mã, Hải Vân, đền đài, lăng tẩm, chùa nổi tiếng, di tích lịch sử và đặc biệt là nhà vườn - một nét độc đáo tiêu biểu của Huế; cho thấy tiềm năng du lịch của Thừa Thiên - Huế phong phú, đa dạng, có điều kiện để phát triển nhiều loại du lịch phong phú như: du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, núi, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao… đặc biệt thành phố Huế đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam.

Đây là lợi thế rất lớn của Tỉnh để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn mang tầm quốc gia và quốc tế; phấn đấu trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về du lịch, góp phần xây dựng Thừa Thiên - Huế phát triển theo hướng “Đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị nêu rõ quan điểm, mục tiêu về việc xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh.... Đến năm 2025, xây dựng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao...

Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á

BÙI THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn//thua-thien-hue-trung-tam-du-lich-lon-dac-sac-cua-ca-nuoc-814262.html