Thuận Châu bảo tồn, phục tráng lúa nếp tan đỏ
Huyện Thuận Châu có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng, trong đó có giống lúa nếp tan bản địa chất lượng rất thơm ngon. Tuy nhiên, các giống lúa này đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Việc phục tráng giống lúa nếp tan đỏ (tan lanh) ở Thuận Châu vừa lưu giữ và bảo tồn được nguồn gen các giống lúa mang tính đặc trưng của địa phương, vừa đưa loại gạo đặc sản thơm, ngon, có độ dinh dưỡng cao phục vụ nhu cầu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.
Giống lúa nếp tan đỏ bản địa được người dân trồng chủ yếu ở các xã Chiềng Pha và Muổi Nọi. Giống lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, gia đình nào cũng dành vài thửa ruộng để gieo cấy. Giống lúa này chỉ gieo cấy được 1 vụ vào đầu tháng 5; sau 3-4 tháng, lúa bắt đầu cho thu hoạch, kỹ thuật chăm sóc chỉ dựa trên kinh nghiệm truyền thống, bón phân không cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, không đúng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa... nên năng suất bình quân chỉ đạt 4 tấn/ha, nếu so với các loại giống lúa lai khác thì thấp hơn từ 1-1,5 tấn/ha. Do năng suất thấp, nhiều người đã chuyển sang cấy những loại giống lúa lai năng suất cao. Vì thế, người dân chỉ gieo trồng giống lúa nếp tan đỏ với diện tích nhỏ, chủ yếu để sử dụng vào ngày lễ, tết, các dịp đặc biệt trong năm mà chưa chú trọng vào việc canh tác theo hướng kinh doanh hàng hóa như các giống lúa mới khác.
Năm 2021, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực Nông - Lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc” để phục tráng giống lúa nếp tan đỏ bản địa. Bà Vũ Thị Bích Hợp, Giám đốc SRD, cho biết: Dự án được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2023, tại 4 xã Chiềng Pha, Muổi Nọi, Bon Phặng và Nậm Lầu của huyện Thuận Châu, trong đó, có chương trình phục tráng giống lúa nếp bản địa. Chương trình này sẽ giữ được đặc tính di truyền ban đầu, ngăn chặn nguy cơ thoái hóa của các giống lúa đặc sản của địa phương và tạo ra các hạt giống siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất cho người dân.
Tham gia Dự án, các hộ được hướng dẫn lựa chọn giống, tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, chỉ dùng phân hữu cơ trong các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; canh tác, điều tiết nước hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng để tăng khả năng chống chịu của cây lúa với sâu bệnh hại, với điều kiện thời tiết và thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng dẫn khử các loại lúa tạp. Với phương pháp này, các chi phí đầu vào so với phương pháp canh tác truyền thống sẽ giảm 10-20% phân bón, 60% lượng thuốc bảo vệ thực vật... năng suất tăng lên 15% so với cùng một đơn vị diện tích.
Bản Ta Khoang, xã Chiềng Pha hiện có 15 ha ruộng 2 vụ tham gia phục tráng giống lúa nếp tan đỏ. Hiện nay, nhân dân trong bản chủ yếu gieo cấy các loại lúa lai, nên giống lúa nếp đỏ bản địa diện tích còn rất ít. Trưởng bản Lò Văn Hinh cho biết: Tham gia vào Dự án, vụ mùa năm 2021, chúng tôi gieo cấy 500 m² giống lúa nếp đỏ, chủ yếu để lọc lấy giống. Được các kỹ thuật viên Dự án hướng dẫn cách lựa chọn giống thuần ngay từ khi mới thu hoạch bằng cách ngắt từng bông to, ứng dụng phương pháp cấy thưa, ít rảnh, lựa chọn thời kỳ thiết yếu để bón phân... Do đó, chất lượng lúa năm nay khá tốt, cho hạt to, bóng. Kết thúc vụ, chúng tôi cùng các chuyên gia đã lựa chọn được 150 cây lúa giống ở mỗi ruộng có đặc điểm tương tự với giống nếp tan đỏ thuần chủng để tiếp tục gieo cấy và mở rộng diện tích trong vụ mùa năm nay cho 30 hộ cam kết.
Ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pha, cho biết: Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn nguồn gen lúa nếp tan đỏ địa phương. Khuyến cáo người dân sử dụng nguồn giống lúa nếp tan đỏ đã qua phục tráng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất.