Thuận Châu chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Thuận Châu đang chủ động bám ruộng, bám đồng, triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa.
Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa ở xã Thôm Mòn, anh Nguyễn Hồng Tráng, dự báo viên bảo vệ thực vật, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Châu, thông tin: Hiện nay lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ, qua kiểm tra đã xuất hiện sâu bệnh vàng lá vi khuẩn, đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng trên diện tích lúa tại xã Bon Phặng, Chiềng Pấc, Thôm Mòm, Chiềng Ly, ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Ngay sau khi xuất hiện bệnh, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND các xã tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu, bệnh để hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Ngay từ sáng sớm, nhiều nông dân của xã Thôm Mòm đã ra thăm đồng, chăm sóc lúa. Dừng tay phun thuốc phòng bệnh cho lúa, chị Lò Thị Thoa, bản Nà Tý cho biết: Gia đình tôi có 250 m² lúa nếp 87, ngay khi có thông báo của xã xuất hiện bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, tôi đã kiểm tra, chủ động mua thuốc để phun, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.
Trên các cánh đồng thuộc xã Chiềng Ly, gia đình anh Bạc Cầm Biêng, bản Bon Nghè cũng đang thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc để cây lúa phát triển tốt. Anh Biêng cho hay: Gia đình tôi có 500 m² lúa, để hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và kinh nghiệm phòng trừ, tôi đã phun thuốc đúng liều lượng, đúng thời điểm, cùng với đó, tôi còn phát quang bờ ruộng để sâu không có nơi cư trú, ngăn sự phát triển của sâu bệnh.
Để phòng trừ sâu bệnh hại, đảm bảo lúa xuân sinh trưởng và phát triển tốt, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con khi xuất hiện bệnh đạo ôn cần ngừng bón phân đạm, phân bón lá, không để ruộng bị hạn, phòng trừ bằng một trong các loại thuốc: Fujione 40EC, Katana 20SC, Difuian 40EC; diện tích bị đạo ôn lá nặng phải phun kép 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 4 - 5 ngày; diện tích bị đạo ôn lá nhất thiết phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước trỗ 5 - 7 ngày và sau trỗ 5 - 7 ngày bằng thuốc đặc hiệu Fujione 40EC. Còn đối với bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng, bà con cần thăm đồng thường xuyên để phát hiện sớm sự xuất hiện của rầy trên cây lúa (vạch gốc lúa để kiểm tra). Khi số rầy nở rộ tập trung với mật độ khoảng 750 con/m² (3 con/lá lúa) thì phun thuốc hóa học, như: Pexena 106 SC, Applaud 10BHN, Oshin 20 WP, Chess 50 WG, Siêu rầy, Bassa, Tre bon... Phun thuốc theo kỹ thuật 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, nồng độ, đúng lúc và đúng cách.
Ông Tòng Văn Diện, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Vụ xuân năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 1.800 ha lúa; cơ cấu giống chủ yếu là giống lúa N87, 97 và nếp tan địa phương. Dự báo thời gian tới, trong điều kiện nắng nóng có xen kẽ các đợt mưa, sâu bệnh hại sẽ phát sinh gây hại trên lúa. Để hạn chế thấp nhất các thiệt hại, Phòng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, UBND các xã, cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi và dự báo chính xác về thời gian phát sinh, quy mô, mức độ của từng đối tượng sinh vật gây hại; tham mưu đề xuất các biện pháp phòng trừ kịp thời hiệu quả. Hướng dẫn bà con thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm các loại sâu bệnh, cập nhật thông tin dự tính dự báo của cơ quan chuyên môn trong công tác bảo vệ thực vật.
Chủ động tuyên truyền về cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại, gắn với hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ sinh học, phòng trừ dịch hại tổng hợp để bảo vệ thiên địch, hạn chế dư lượng hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.