Thuận Châu chuẩn bị vào vụ thanh long ruột đỏ
Chỉ còn hơn một tuần nữa là cây thanh long ruột đỏ ở Thuận Châu sẽ cho thu hái quả chính vụ. Thời điểm này, nông dân các xã trên địa bàn huyện đang tập trung chăm sóc thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ để đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thuận Châu có 47 ha thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu ở các xã Phổng Lái, Chiềng Pha và Phổng Lăng. Trong đó, 38 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm 2022 ước đạt bình quân 10 tấn/1ha. Ông Trần Hữu Hùng, Trưởng phòng NN và PTNT huyện, cho biết: Ngay từ đầu năm, huyện đã làm việc với đơn vị chủ trì dự án là HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, xây dựng kế hoạch bao tiêu sản phẩm quả cho nhân dân trên địa bàn với nhiều phương án khác nhau. HTX đã ký kết hợp đồng nguyên tắc xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm quả thanh long ruột đỏ với một số công ty, doanh nghiệp trong nước để có đầu ra ổn định cho bà con.
Đến thăm mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ của HTX Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha. Trước mắt chúng tôi là vườn thanh long đang trĩu quả chuẩn bị cho thu hoạch. Chị Hoàng Thị Thảo, Giám đốc HTX, cho biết: HTX thành lập năm 2020 với 12 thành viên. HTX hiện có 13 ha thanh long ruột đỏ, toàn bộ đều đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Chúng tôi luôn thực hiện tốt việc chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Vụ năm nay, do thời tiết mưa nhiều, nên sản lượng thanh long quả có giảm, dự kiến sẽ thu hoạch gần 200 tấn quả. Với giá bán bình quân 25.000 đồng/1 kg, sẽ cho doanh thu khoảng 5 tỷ đồng. Thời điểm này, các thành viên trong HTX đang tiến hành chăm sóc, cắt tỉa quả theo hướng dẫn của HTX nông nghiệp Ngọc Hoàng. Vụ năm 2022, dự kiến xuất khẩu trên 12 tấn quả sang thị trường Nga.
Tham gia HTX từ những ngày đầu thành lập, chị Lò Thị Dưng, bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, cho biết: Qua tham quan, học hỏi tại các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh, tôi nhận thấy cây thanh long ruột đỏ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Năm 2017, tôi đã trồng 430 trụ thanh long trên diện tích 3.000 m². Sau một năm, cây phát triển tốt, cho thu hoạch 4 tấn quả, bán với giá 25 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu về 60 triệu đồng. 2 năm sau, tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 1,7 ha, với 1.700 trụ. Với kinh nghiệm sản xuất đã tích lũy được, được hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, chỉ trong tuần tới, gia đình tôi sẽ bắt đầu thu hoạch thanh long, sản lượng năm nay ước đạt 30 tấn quả.
Người dân xã Phổng Lái hiện đang trồng và chăm sóc 10 ha cây thanh long ruột đỏ. Gia đình ông Trần Văn Đồng, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái, là hộ tiên phong đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng. Đã 3 năm liên tiếp, sản phẩm thanh long ruột đỏ của gia đình ông luôn đủ tiêu chuẩn có mặt trong lô hàng của huyện Thuận Châu xuất khẩu sang Nga. Ông Đồng cho biết: Gia đình có 4 ha thanh long ruột đỏ, sản lượng năm nay dự kiến đạt khoảng 15 tấn/1ha. Nếu so sánh 1 ha chè trước kia cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm, thì với cây thanh long ruột đỏ sẽ cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Đồng hành với người dân trồng thanh long ở Thuận Châu từ những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Hoàng, nắm rõ diện tích từng hộ, từng khoảnh. Chị Dung chia sẻ: Thực hiện chủ trương của huyện về phát triển chuỗi giá trị thanh long, HTX đã liên kết với các hộ dân trên địa bàn huyện để đưa cây thanh long vào trồng, mở các lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long theo hướng hữu cơ cho người dân. Đồng thời, bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân đạt yêu cầu.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chung tay vào cuộc của doanh nghiệp, HTX và người dân, vụ thanh long ruột đỏ của huyện Thuận Châu năm nay sẽ mang lại thu nhập cao cho người dân, đồng thời, từng bước khẳng định thương hiệu ở nhiều thị trường trong và ngoài nước.