Thuật ngữ chiến tranh: Sự khác biệt giữa 'tạm ngừng bắn', 'chấm dứt chiến sự', 'đình chiến'
Ba tuần sau cuộc xung đột Israel-Hamas, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi các bên thực hiện một 'thỏa thuận tạm ngừng bắn nhân đạo'. Vậy thuật ngữ này nên được hiểu như thế nào và nó khác ra sao với các thuật ngữ về chiến sự khác trong chiến tranh?
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) và Đại hội đồng (ĐHĐ) có thể đề xuất các hành động khác nhau - như tạm ngừng bắn, chấm dứt chiến sự, đình chiến, ngừng bắn - nên được thực hiện khi hai bên hoặc các bên trong tình trạng chiến tranh.
Đôi khi trong một số trường hợp, nhiều thuật ngữ trong số này thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng về bản chất mỗi thuật ngữ đều có ý nghĩa chính trị và ý nghĩa pháp lý khác nhau.
Những nghị quyết hoặc lời kêu gọi của của Đại hội đồng LHQ thường chỉ đơn thuần giống như những gợi ý cho các bên tham gia chiến tranh, không giống như các quyết định của HĐBA, chúng không có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Tuy nhiên, những văn bản này vẫn được coi là những tuyên bố mạnh mẽ ở khía cạnh nó phản ánh ý chí và lập trường chung của các quốc gia thành viên LHQ.
Dưới đây là lời giải thích về sự khác biệt giữa các thuật ngữ có thể là những đề xuất hành động khác nhau được các cơ quan LHQ đưa ra trong thời gian xảy ra xung đột.
Tạm ngừng bắn (truce)
Hai bên xung đột hoặc những bên tham chiến trong chiến tranh quyết tạm dừng một cách KHÔNG CHÍNH THỨC các hành động thù địch trong MỘT KHOẢNG THỜI GIAN NGẮN. Nói một cách khác, đó là việc “hai bên đồng ý ngừng chiến đấu một lát”.
Một thỏa thuận tạm ngừng bắn có thể được tiến hành ở một khu vực địa lý cụ thể của một cuộc xung đột rộng lớn hơn, chẳng hạn như ở cửa khẩu hoặc một quận nào đó của Gaza. Những thỏa thuận này có thể được áp dụng rồi ngay lập tức lại bị dỡ bỏ trong quá trình xung đột. Việc áp dụng thỏa thuận tạm ngừng bắn không cho thấy tình trạng chiến tranh đã kết thúc.
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) sử dụng thuật ngữ "tạm ngừng bắn" thay thế cho thuật ngữ "đình chỉ chiến sự" (suspension of hostilities).
Theo ICRC: "Một thỏa thuận tạm ngừng bắn phải cho phép thực hiện các công việc không liên quan đến tiến hành chiến tranh chung, ví dụ như di dời người bị thương, chôn cất người chết, trao đổi tù nhân… hoặc cho phép các chỉ huy quân sự thời gian để tham vấn ý kiến cấp trên về đàm phán”.
Không giống như “ngừng bắn nhân đạo” (humanitarian pause), tạm ngừng bắn có thể được đưa ra vì bất kỳ lý do gì và không chỉ giới hạn vì mục đích nhân đạo.
Ngừng chiến sự (cessation of hostilities)
Ngừng chiến sự có nghĩa là một hoặc cả hai bên tham gia trong cuộc chiến đồng ý một cách KHÔNG CHÍNH THỨC ngừng chiến đấu trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên, điều này có thể chỉ ra sự khởi đầu của các cuộc đàm phán hòa bình rộng lớn hơn trong khi các hoạt động tấn công có thể vẫn diễn ra.
Tình trạng này có ý nghĩa chính thức hơn tình trạng tạm ngừng bắn nhưng nó cũng không mang tính ràng buộc. Nói một cách khác, có thể hiểu, tình trạng ngừng chiến sự là “hai bên đồng ý ngừng chiến đấu một chút”.
Ngừng bắn nhân đạo (humanitarian pause)
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ, việc ngừng bắn nhân đạo được coi là "sự chấm dứt tạm thời các hành động thù địch chỉ để phục vụ mục đích nhân đạo".
Những lần tạm dừng này thường được thương lượng để diễn ra trong một khoảng thời gian xác định, đôi khi chỉ trong vài giờ và ở một khu vực địa lý cụ thể, nơi các hoạt động nhân đạo được lên kế hoạch.
Ngừng bắn (cease-fire)
Ngừng bắn: Cả hai hoặc các bên tham chiến CHÍNH THỨC đồng ý ngừng chiến đấu trong một khoảng thời gian. Lệnh ngừng bắn KHÔNG đồng nghĩa với một thông báo kết thúc xung đột, nhưng chúng nhằm mục đích giúp các bên đối lập liên lạc với nhau, cho phép các bên rút vũ khí lại để tạo vùng “an toàn” ngăn cách hai bên. Nói một cách khác: “Hai bên chính thức tạm ngừng chiến sự và tạo vùng an toàn”.
Theo Liên Hợp Quốc, không giống như lệnh tạm ngừng bắn, tạm dừng nhân đạo hoặc đình chiến, tuyên bố ngừng bắn thường áp dụng cho toàn bộ khu vực địa lý của một cuộc xung đột.
Đình chiến (armistice)
Cả hai bên tham chiến CHÍNH THỨC đồng ý CHẤM DỨT HOÀN TOÀN các hoạt động chiến tranh. Một hiệp định đình chiến cho thấy sự KẾT THÚC CHÍNH THỨC của một cuộc chiến nhưng không phải là một thỏa thuận hòa bình. Các bên cần một hiệp ước hòa bình để đảm bảo hòa bình giữa các bên
Ngày hòa bình
Đôi khi trong tình trạng xung đột, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ kêu gọi các bên xung đột đồng ý về một "ngày hòa bình". Những ngày này thường nhằm mục đích giúp trẻ em được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe không bị gián đoạn vào những ngày cụ thể.