Thức ăn đường phố: Mua rẻ nhưng trả giá 'đắt' về sức khỏe

Thức ăn đường phố hấp dẫn nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm nhiễm khuẩn, chế biến kém vệ sinh và thói quen ăn uống thiếu an toàn.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cảnh báo thức ăn đường phố, đặc biệt các quán hàng bán xiên nướng (thịt, cá, hải sản, rau củ xiên que) - hay còn được gọi là "xiên bẩn" tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, nguy hiểm đến sức khỏe.

Dù đã được cảnh báo nhiều lần trước đó, thế nhưng thức ăn đường phố vẫn là lựa chọn quen thuộc của nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ.

"Vì nó rẻ, nó ngon!"

Khi màn đêm buông xuống, những khu vực đông đúc như Làng Đại học Quốc gia TP.HCM, quận Gò Vấp, Bình Thạnh, chợ ẩm thực đêm… trở nên sôi động với hàng trăm quán vỉa hè bày bán đủ loại món ăn: từ xiên bẩn, bún thịt nướng, bánh tráng trộn, chân gà nướng… Mùi thức ăn nướng trên bếp than tỏa ra thơm lừng, giá cả lại rẻ, chỉ từ 10.000 – 50.000 đồng một phần, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người lao động.

Thế nhưng, đằng sau sự hấp dẫn ấy là những nguy cơ tiềm ẩn mà không phải ai cũng nhận ra. Nhiều quán ăn không có bất kỳ biện pháp bảo quản thực phẩm nào: nguyên liệu để trần ngay sát mặt đường, không che đậy, người bán không đeo găng tay hay khẩu trang khi chế biến.

 Theo ghi nhận của PV, những "hàng ăn di động" tại Làng Đại học Quốc gia TP.HCM hoạt động nhộn nhịp. Ảnh: THẢO HIỀN

Theo ghi nhận của PV, những "hàng ăn di động" tại Làng Đại học Quốc gia TP.HCM hoạt động nhộn nhịp. Ảnh: THẢO HIỀN

Theo ghi nhận của PV, hầu hết người bán đều không thể cung cấp thông tin rõ ràng về nguồn gốc thực phẩm. Khi được hỏi thịt xiên nướng lấy từ đâu, một người bán tại Làng đại học chỉ trả lời qua loa: “Cô mua ngoài chợ đầu mối, ai cũng lấy vậy mà!”. Trong khi đó, không ít xe hàng rong sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần, tạo ra các chất độc hại. Một số quán còn tẩm ướp gia vị đậm để che đi mùi thực phẩm không còn tươi mới.

 Nhiều xe bán xiên bẩn (xiên que) không đảm bảo ATTP. Ảnh: THẢO HIỀN

Nhiều xe bán xiên bẩn (xiên que) không đảm bảo ATTP. Ảnh: THẢO HIỀN

Không chỉ dừng lại ở học sinh, sinh viên, ngay cả nhân viên văn phòng cũng chọn thức ăn vỉa hè cho bữa trưa hoặc bữa tối. Họ ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh thực phẩm. Chỉ khi gặp các triệu chứng tiêu chảy, đau bụng hoặc ngộ độc thực phẩm, một số người mới giật mình nhìn lại thói quen ăn uống của mình.

 Tại tuyến đường Quang Trung, quận Gò Vấp, khi màn đêm buông xuống, các hàng quán vỉa hè bày bán đủ loại món ăn, được các bạn trẻ "ủng hộ". Ảnh: TRẦN MINH

Tại tuyến đường Quang Trung, quận Gò Vấp, khi màn đêm buông xuống, các hàng quán vỉa hè bày bán đủ loại món ăn, được các bạn trẻ "ủng hộ". Ảnh: TRẦN MINH

Anh TTM (26 tuổi, ngụ quận 12) bị ngộ độc thực phẩm khi ăn gỏi cuốn mắm nêm, cho biết: “Tôi mua gỏi cuốn mắm nêm trên đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp, gần khu vực đông sinh viên. Thấy bán đông khách nên cũng yên tâm. Nhưng đến tối, tôi bắt đầu đau bụng dữ dội, tiêu chảy liên tục, người mệt lả... Khi đến trạm xá gần nhà, bác sĩ kết luận tôi bị ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, có thể từ mắm nêm để lâu ngày”.

Sau sự cố đó, anh M cẩn trọng hơn khi chọn nơi ăn uống và cho biết“Giá rẻ một chút nhưng rủi ro sức khỏe quá lớn. Giờ tôi chỉ dám ăn ở những quán có cửa hàng đàng hoàng, sạch sẽ hoặc tự mua về nấu ăn”.

 Tại tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp có thể nhìn bằng mắt thường những quán ăn này được để "trần" ngay sát mặt đường. Ảnh: TRẦN MINH

Tại tuyến đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp có thể nhìn bằng mắt thường những quán ăn này được để "trần" ngay sát mặt đường. Ảnh: TRẦN MINH

Vi khuẩn ngộ độc: Hiểm họa ẩn mình trong thực phẩm bẩn

Theo Thạc sĩ Vũ Anh Kiệt, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), để xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, cần xem xét toàn bộ quá trình sản xuất và chế biến. Quá trình này bao gồm môi trường (nước sạch, không khí, không gian,…), nguồn thực phẩm, con người, quy trình chế biến, và cách bảo quản thực phẩm trước và sau khi chế biến. Ngộ độc có thể xảy ra từ bất kỳ khâu nào nếu không được đảm bảo vệ sinh.

Tuy nhiên, ngay cả khi thực phẩm được xử lý đúng quy trình, chính người tiêu dùng cũng có thể góp phần gây ra ngộ độc. Những thói quen như không rửa tay trước khi ăn, để thực phẩm quá lâu sau khi mua, khiến thực phẩm tự biến đổi do điều kiện môi trường, ăn hàng rong mà không quan tâm đến vệ sinh, hay bị thu hút bởi những quán ăn không đảm bảo chỉ vì giá rẻ hoặc trình bày bắt mắt đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

 Tại đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp nhiều hàng quán giá cả lại rẻ chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng. Ảnh: TRẦN MINH

Tại đường Nguyễn Văn Bảo, quận Gò Vấp nhiều hàng quán giá cả lại rẻ chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng. Ảnh: TRẦN MINH

Theo ThS Kiệt, các hàng quán thực phẩm đường phố thường tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi khuẩn như E. coli, Salmonella, Listeria và Clostridium botulinum. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào cơ thể qua thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

“Vi khuẩn E. coli có thể tiết ra độc tố gây tiêu chảy, co thắt dạ dày và thậm chí suy thận. Salmonella dễ dàng xâm nhập qua thực phẩm bị nhiễm khuẩn, gây viêm dạ dày, sốt cao và mất nước nghiêm trọng. Trong khi đó, Listeria đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai, người già và người suy giảm miễn dịch, có thể dẫn đến nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não. Đáng lo ngại nhất là Clostridium botulinum – vi khuẩn sản sinh độc tố botulinum gây liệt cơ, khó thở và có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời” - ông Kiệt nhấn mạnh.

Ngoài việc trực tiếp gây bệnh, một số vi khuẩn còn tiết ra độc tố làm tổn thương gan, thận, hệ thần kinh và miễn dịch. Đặc biệt, một số loại độc tố không bị phá hủy ở nhiệt độ nấu ăn thông thường, làm tăng nguy cơ ngộ độc ngay cả khi thực phẩm đã được nấu chín.

Không chỉ nhiễm khuẩn, thực phẩm đường phố còn có thể nhiễm vi rút, lây nhiễm bụi bẩn từ môi trường, và đặc biệt chứa các loại phẩm màu độc hại. Theo ThS Kiệt, nhiều quán ăn sử dụng phẩm màu công nghiệp giá rẻ để tạo màu sắc hấp dẫn cho món ăn mà không biết rằng những hóa chất này có thể gây nguy hiểm lâu dài.

“Một số loại phẩm màu công nghiệp giá rẻ chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, có thể tích tụ trong cơ thể gây tổn thương gan, thận. Đáng lo ngại hơn, các chất như Rhodamine B, Sudan III – vốn bị cấm trong thực phẩm – vẫn được sử dụng để tạo màu đỏ bắt mắt cho đồ ăn. Những hóa chất này có độc tính cao, có thể gây rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch và thậm chí ung thư gan, ruột, bàng quang nếu tiêu thụ thường xuyên” - ThS Kiệt cảnh báo.

Đạo đức kinh doanh: “Liều thuốc” bảo vệ người tiêu dùng

Nhiều quốc gia đã áp dụng các mô hình quản lý an toàn thực phẩm hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút du lịch.

Tại Thái Lan, các khu ẩm thực được quy hoạch bài bản với hệ thống vệ sinh, nguồn nước sạch đảm bảo. Nơi đây không chỉ kinh doanh ăn uống mà còn kết hợp buôn bán đồ thủ công mỹ nghệ, đặc sản địa phương, dần dần trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng. Chính phủ nước này còn triển khai chứng nhận và dán nhãn “Clean Food Good Taste” cho các hàng quán đạt chuẩn.

Ở Singapore, chính quyền phát triển ứng dụng đánh giá vệ sinh và an toàn thực phẩm, cho phép người dân phản ánh, chấm điểm các quầy hàng. Nhờ đó, tính minh bạch trong quản lý được nâng cao.

Tại Nhật Bản, hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa được áp dụng toàn diện, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra chất lượng thực phẩm.

Dù áp dụng mô hình nào, yếu tố cốt lõi vẫn là đạo đức kinh doanh. Đây mới là “liều thuốc” quan trọng nhất để bảo vệ người tiêu dùng và xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.

Thạc sĩ Vũ Anh Kiệt, Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nhân dân Gia Định

Trách nhiệm pháp lý khi xảy ra ngộ độc

Theo Điều 31 và Điều 32 của Luật An toàn thực phẩm, các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng quán vỉa hè và thức ăn đường phố bao gồm:

- Nơi bày bán phải cách biệt với nguồn gây độc hại, ô nhiễm và được bố trí trên bàn, giá, kệ đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đường phố.

- Nguyên liệu chế biến phải có nguồn gốc rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm; dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải sạch sẽ và không gây ô nhiễm; bao bì và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được thôi nhiễm vào thực phẩm.

- Cần có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn và côn trùng, động vật gây hại; cung cấp đủ nước đạt quy chuẩn và đảm bảo sức khỏe, kiến thức, thực hành cho người kinh doanh thực phẩm.

Trường hợp người tiêu dùng bị ngộ độc thực phẩm do ăn tại các quán lề đường, vỉa hè cần xác định nguyên nhân gây ngộ độc để xác định đối tượng sẽ chịu trách nhiệm pháp lý:

Nếu nguyên nhân gây ra ngộ độc trong trường hợp này là do nguồn gốc thực phẩm, trách nhiệm sẽ do cá nhân, tổ chức cung cấp nguyên liệu chịu trách nhiệm.

Nếu nguyên nhân gây ra ngộ độc trong trường hợp này là do độc tố trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, do lỗi của người bán hàng hay chính là người đầu bếp chế biến món ăn thì người đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra cho khách hàng.

Tùy theo mức độ vi phạm, người bán hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo khoản 6 Điều 22 Văn bản hợp nhất 02/VBHN-BYT năm 2022, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với các hành vi như cung cấp thực phẩm gây ngộ độc cho từ 1 đến 4 người, sử dụng chất cấm hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm. Số lượng người bị ngộ độc càng lớn, mức phạt càng cao.

Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm) với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù nếu làm chết từ 3 người trở lên.

Luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM

TRẦN MINH - THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/thuc-an-duong-pho-mua-re-nhung-tra-gia-dat-ve-suc-khoe-post841338.html