Thúc đẩy bình đẳng giới vì một tương lai xanh cho mọi người
Quá trình chuyển đổi xanh nhằm đạt các mục tiêu về khí hậu có thể gây ra nhiều tác động đến các nhóm người nghèo, người yếu thế, phụ nữ và trẻ em. Bởi vậy, các chiến lược, chính sách và biện pháp cần phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau hoặc bị đầy lùi trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế - xã hội carbon thấp và bền vững với môi trường.
Người yếu thế và người nghèo sẽ chịu tác động lớn
Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) xác định chuyển đổi công bằng hay chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng là giải quyết đồng thời các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế. Trọng tâm của các chính sách chuyển đổi công bằng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính là đóng góp vào mục tiêu việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, bao trùm xã hội và xóa đói giảm nghèo.
Tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn đến năm 2050, được thông qua tại Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/07/2022, lần đầu tiên một văn bản của Chính phủ đề cập đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Trong đó nêu rõ việc tập trung và phát huy nguồn lực, phát triển cơ chế tài chính, hợp tác công - tư, chuyển dịch đầu tư sang nền kinh tế ít phát thải phải dựa trên cơ sở “bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”.
Trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm đạt các cam kết về khí hậu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chỉ ra nhiều thách thức nước ta đang phải đối mặt. Đó là vừa phải duy trì tăng trưởng vừa giảm phát thải khí nhà kính trong khi bị hạn chế về nguồn lực. Bên cạnh đó, giá năng lượng sẽ tăng do nhu cầu vốn rất lớn, kéo theo giá điện tăng cùng với các mặt hàng khác, đầu tiên là thực phẩm. Quá trình chuyển đổi cũng tiềm ẩn sự bất bình đẳng giữa các vùng, chẳng hạn như các vùng sản xuất than sẽ thiếu lao động có kỹ năng, nhiều lao động kỹ năng thấp khó đổi được việc. Vì chưa có những nghiên cứu, đánh giá tác động nên chúng ta chưa thể xác định trước được tác động những tác động cụ thể sẽ xảy ra như thế nào với từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, UNDP cho rằng nhóm người nghèo sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Hội thảo quốc tế về Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng vừa được Bộ LĐ-TB&XH tổ chức nhằm tăng cường trao đổi quan điểm, kết quả nghiên cứu, cũng như tạo diễn đàn chia sẻ về những tác động của quá trình chuyển đổi công bằng đến việc làm và an sinh xã hội. Theo đánh giá của Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐ-TB&XH tại Hội thảo thì quá trình chuyển đổi xanh sẽ phát sinh ra nhiều vấn đề. Đơn cử, tỷ lệ thất nghiệp chung từ nhóm ngành năng lượng nhiệt điện và các ngành, dịch vụ phụ trợ do chuyển đổi sản xuất sẽ gia tăng, gây ra áp lực đối với thị trường lao động, đồng thời ảnh hưởng đến sinh kế, an sinh xã hội của người dân địa phương. Tiếp theo, nguy cơ mất việc làm, sụt giảm thu nhập dẫn đến các hệ lụy mất an sinh xã hội đối với nhóm lao động không có kỹ năng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình chuyển đổi, nhất là lao động nữ. Chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân bị giảm sút do nguy cơ phải cắt giảm các chi phí trực tiếp cho lương thực, y tế, giáo dục, do giá tiêu thụ điện năng tăng cao, đặc biệt ở nhóm dễ bị tổn thương như người cao tuổi, người khuyết tật và người nghèo, nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp cho “bình ổn giá” thỏa đáng của Chính phủ.
Thúc đẩy bình đẳng giới
Trong Báo cáo cập nhật 2022 gửi Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (NDC), Việt Nam thể hiện cam kết bảo đảm an sinh xã hội và bình đẳng giới trong tiến trình thực hiện các mục tiêu giảm phát thải. Theo đó, Báo cáo cũng đề cập tới việc Việt Nam sẽ phát triển các mô hình sinh kế bền vững, dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng, tăng cường khả năng tiếp cận cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương bởi BĐKH. Đặc biệt, Việt Nam cũng cam kết tăng sự tham gia của phụ nữ, thanh, thiếu niên, người dân trong các hoạt động phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.
Trước đó, Quyết định số 1290/QĐ-BLĐTBXH ngày 11/9/2019 về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH của Bộ LĐ-TB&XH giai đoạn 2019 - 2020 và 2021 - 2030 cũng xác định rõ nhiệm vụ lồng ghép BĐKH vào trong các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội, bảo hiểm, bảo vệ chăm sóc trẻ em và giới.
Trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, nhiệm vụ của ngành Lao động - Xã hội là hoàn thiện hệ thống chính sách và nâng cao năng lực cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm hạn chế ảnh hưởng của BĐKH đến cơ hội việc làm của người dân và tình trạng bình đẳng giới. Về bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH cùng các địa phương đã phê duyệt và thí điểm triển khai Đề án truyền thông nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh gồm “Giới và BĐKH”, “Bình đẳng giới với BĐKH”; đồng thời kết hợp đào tạo kỹ năng mềm cho lao động nữ tham gia các ngành kinh tế mới theo hướng thích ứng BĐKH.
Theo TS. Chử Thị Lân, Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống an sinh xã hội có thể giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế và xã hội bền vững theo cách không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo khuyến nghị của UNDP, Việt Nam cần chuẩn bị cải cách hệ thống trợ cấp và an sinh xã hội để quá trình này không làm tăng tỉ lệ và độ nghèo của người dân. Trong ngắn hạn, Chính phủ cần hỗ trợ các hộ gia đình yếu thế phải đối mặt với giá cả năng lượng và lượng thực tăng cao. Về dài hạn, các chính sách cần hướng tới tăng sức chống chịu, an sinh xã hội, việc làm và tăng ngân sách cho an sinh xã hội, tạo cơ chế khiến người dân ủng hộ các chính sách chuyển đổi xanh và ứng phó BĐKH.
Bên cạnh đó, theo các nguyên tắc chuyển đổi công bằng của Tổng Liên đoàn Lao động Quốc tế (ITUC), Chính phủ cũng cần phải tham vấn ý kiến và khuyến khích thể chế hóa sự tham gia chính thức của công đoàn, người sử dụng lao động, cộng đồng và tất cả các nhóm xã hội phải là một phần của quá trình chuyển đổi. Tham vấn và tôn trọng quyền con người và quyền lao động là những điều kiện cơ bản để bảo đảm quá trình chuyển đổi suôn sẻ và hiệu quả hướng tới hướng tới một xã hội bền vững.