Thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển

Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN) trên địa bàn huyện Quảng Trạch duy trì và phát triển, những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện Quảng Trạch đã giải ngân các chương trình vay đến các đối tượng có nhu cầu. Thông qua các gói vay đã giúp các cơ sở TTCN trên địa bàn có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, mở rộng cơ sở. Nhờ đó đã góp phần thúc đẩy ngành nghề TTCN trên địa bàn ngày càng phát triển về lượng và chất.

Theo thống kê của PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch, năm 2022, doanh số cho vay trên địa bàn huyện là 216 tỷ đồng, với 4.944 lượt hộ vay; trong đó, gói vay giải quyết việc làm là 13 tỷ đồng, với 208 lượt vay vốn. Đây là nguồn lực tạo đà giúp nhiều cơ sở TTCN phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Tại xã Quảng Tiến, sản xuất mây tre đan những năm qua được xem là nghề thủ công truyền thống mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn xã.

Để duy trì và phát triển nghề truyền thống của địa phương, năm 2016, Hợp tác xã (HTX) Mây tre đan Quảng Tiến đã thành lập. Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 16 thành viên, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động của địa phương. Tuy nhiên, khó khăn của HTX hiện nay là nguyên liệu đầu vào.

Ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Mây tre đan Quảng Tiến cho biết: Hiện HTX sản xuất chủ yếu các sản phẩm mây đan mắt cáo. Những sản phẩm này được bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu nên nguồn nguyên liệu đòi hỏi phải được chọn lựa bảo đảm. Để chọn được nguồn nguyên liệu chất lượng, HTX phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, giá thu mua nguyên liệu ngày càng tăng giá đã gây không ít khó khăn cho HTX.

Trước khó khăn đó, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và PGD NHCSXH huyện, HTX đã được hỗ trợ vay vốn số tiền 100 triệu đồng từ gói vay giải quyết việc làm, với lãi suất ưu đãi. Từ số vốn này, HTX Mây tre đan Quảng Tiến đã đầu tư mua thêm nguồn nguyên liệu để tăng số lượng sản xuất. Qua đó giúp duy trì và tạo việc làm cho các lao động trên địa bàn xã.

Hiện nay, các ngành nghề TTCN trên địa bàn huyện Quảng Trạch có xu hướng ngày càng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Hàng năm, các cơ sở sản xuất này đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Có thể nói, TTCN được xem là một trọng những ngành mũi nhọn quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Tuy nhiên, thực tế là hiện nay phần lớn các cơ sở sản xuất TTCN trên địa bàn huyện quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực tài chính yếu, không ít cơ sở chỉ sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống nên sức cạnh tranh không cao.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có thêm cơ hội để đầu tư phát triển.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp có thêm cơ hội để đầu tư phát triển.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc các cơ sở này còn thiếu vốn để đầu tư sản xuất được xem là một trong những những nguyên nhân then chốt. Nhằm đáp ứng việc duy trì và phát triển các ngành nghề TTCN trên địa bàn, những năm qua, PGD NHCSXH huyện đã kịp thời giải ngân và đưa các gói vay về địa phương, qua đó giúp người dân tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, phát triển các ngành nghề TTCN.

Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch Trần Thị Thu Nga cho biết: Qua khảo sát các địa phương trên địa bàn huyện, hiện nay, các ngành nghề TTCN trên địa bàn phát triển tương đối đa dạng. Hầu hết các cơ sở này đều tồn tại và phát triển theo mô hình cá nhân, hộ gia đình. Để hỗ trợ các cơ sở duy trì và phát triển, PGD NHCSXH huyện đã tập trung giải ngân các gói vay, trong đó có gói vay giải quyết việc làm. Với gói vay này, các cơ sở sản xuất TTCN có thể vay số vốn từ 50-100 triệu đồng. Mặc dù gói vay không lớn, nhưng với lãi suất ưu đãi đã động viên các cơ sở TTCN vượt qua khó khăn, giúp các cơ sở sản xuất TTCN đầu tư thêm máy móc, xây dựng các xưởng sản xuất để duy trì và phát triển.

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202302/thuc-day-cac-nganh-nghe-tieu-thu-cong-nghiep-phat-trien-2207166/