Thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Hai năm sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với mọi lĩnh vực kinh tế xã hội, đến với Đồng bằng sông Cửu Long thời gian này, thấy rõ những tín hiệu tích cực của sự phục hồi và tăng trưởng.

Nguồn vốn đầu tư của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã góp phần quan trọng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực phát triển kinh tế xã hội địa phương, có vai trò quan trọng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo định hướng Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bệ đỡ doanh nghiệp phục hồi, khôi phục sản xuất kinh doanh

Lũy kế đến tháng 6/2022, số dư nợ tại Agribank bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là 259.213 tỷ đồng. Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 44.990 khách hàng với dư nợ 171.054 tỷ đồng; Miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 2.625 khách hàng với dư nợ 12.806 tỷ đồng; Cho vay mới với doanh số 498.483 tỷ đồng, dư nợ 146.467 tỷ đồng, với 241.486 khách hàng còn dư nợ.

Thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank là Ngân hàng đứng đầu trong việc giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, với tổng số tiền lãi đã giảm là 5.512 tỷ đồng; tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,4 triệu tỷ đồng cho gần 3,5 triệu khách hàng.

Đến thăm Công ty Cổ phần đầu tư dừa Bến Tre (Beinco) những ngày này, hoạt động dây chuyền sản xuất và chế biến đang vận hành hết công suất để kịp sản lượng xuất khẩu. Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre, sản phẩm của Beinco đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Từng phải hoạt động “3 tại chỗ” suốt nhiều tháng do ảnh hưởng đại dịch, ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty Beinco kể về thời điểm khó khăn chưa từng có. Giãn cách xã hội ảnh hưởng đến việc thu mua dừa nguyên liệu từ bà con nông dân cũng như vận chuyển tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, phải thu xếp cho công nhân làm việc tại chỗ, vừa hoạt động sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch…, hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần đầu tư dừa (Beinco) hoạt động hết công suất.

Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần đầu tư dừa (Beinco) hoạt động hết công suất.

Vay vốn của Agribank để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, Ông Đức cho biết, nếu không có hỗ trợ, chia sẻ của Ngân hàng trong thời gian vừa qua, có lẽ “khó khăn chồng chất khó khăn”. Theo ông Đức, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, doanh nghiệp đã được Agribank Bến Tre cơ cấu lại nợ, chủ động giảm lãi suất cho vay khi mà nguồn thu nhập gần như không có. Việc cơ cấu, giảm lãi suất cho khoản nợ hơn 20 tỷ đồng giúp Công ty Beinco tiết kiệm một phần kinh phí không nhỏ để trang trải cho hoạt động doanh nghiệp.

Đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, khi khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid 19, trong thời gian qua, Agribank Tiền Giang đã tích cực thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Theo thống kê đến tháng 6/2022, tổng số dư nợ Agribank Tiền Giang cơ cấu lại là 1.428 tỷ đồng với 2.991 khách hàng. Tổng số tiền lãi Chi nhánh thực giảm, chia sẻ khó khăn với khách hàng là 74,9 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Đoàn, Phó Giám đốc Agribank Tiền Giang cho biết: “Chi nhánh đã chủ động về nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vay vốn của tất cả các thành phần kinh tế như: sản xuất, chế biến, thương mại, dịch vụ, vận tải, tiêu dùng... và tất cả các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân”.

Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty Đức Thành (tỉnh Tiền Giang).

Nhà máy chế biến lúa gạo của Công ty Đức Thành (tỉnh Tiền Giang).

Dư nợ Agribank Tiền Giang cho vay thu mua, xay xát, chế biến lúa gạo cuối năm 2021 lên đến 1.880 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ của Chi nhánh. Nhờ nguồn vốn này đã giúp cho doanh nghiệp, thương lái thu mua một lượng lúa gạo rất lớn của nông dân, đồng thời cũng góp phần tạo lưu thông chuỗi cung – cầu nông sản của vùng ĐBSCL.

Anh Trần Văn Sanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên lương thực thực phẩm Đức Thành cho biết, với khoản vay 33 tỷ đồng của công ty, việc giảm lãi 10% của Agribank trong giai đoạn dịch bệnh Covid 19 cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm hơn 200 triệu đồng. Chưa kể, công ty còn được vay vốn theo gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với lãi suất 4,5%/năm. Một mức lãi suất vay ngắn hạn hết sức ưu đãi, góp phần giúp Đức Thành luôn duy trì năng suất chế biến trung bình 1000 tấn lúa/ngày với doanh thu khoảng 80 tỷ đồng/tháng.

Góp phần xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững

Với vai trò Ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước, Agribank luôn ý thức và không ngừng nỗ lực khẳng định vai trò chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, Agribank đã có những đóng góp tích cực góp phần hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Là một tỉnh nằm phía hạ lưu sông Tiền, được phù sa màu mỡ bồi đắp, tỉnh Tiền Giang thuận lợi xây dựng nền nông nghiệp đa dạng, hiệu quả. Toàn tỉnh có khoảng 70.000 ha đất trồng lúa, trên 82.000 ha đất trồng cây ăn trái, trên 57.000 ha trồng rau màu luân canh hoặc chuyên canh, khoảng 16.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng sinh thái...

Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Tiền Giang về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Agribank Tiền Giang đã thực hiện nhiều chính sách tín dụng để phục vụ đầu tư phát triển lĩnh vực này, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho vay theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ, tập trung nhiều nhất vào các lĩnh vực thế mạnh kinh tế của tỉnh như cho vay chi phí phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ; cho vay để sản xuất giống trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp; cho vay phát triển ngành nghề tại địa bàn nông thôn; cho vay phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; cho vay các nhu cầu phục vụ đời sống của cư; cho vay các chương trình kinh tế liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chính phủ.

Ở ấp An Khánh, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đời là lão nông nổi tiếng. Tài sản hiện tại của ông Đời đang thế chấp để vay 20 tỷ đồng tại ngân hàng. Ông Đời kể, năm 2004, ông vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hơn 400 triệu đồng, đầu tư vào nuôi cá tra. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông bị lỗ. Không nản trí, ông tiếp tục đầu tư nuôi cá, được giá, lợi nhuận tăng gấp đôi. Tiền bán cá, ông mua thêm ao, mở rộng sản xuất. Đến nay, gia đình ông sở hữu 15 ao nuôi cá ở cù lao Tân Phong, mỗi năm xuất bán khoảng 5.000 tấn cá. Từ chỗ vay vốn ngân hàng, có thời điểm ông còn gửi tiết kiệm tại Agribank nhiều tỷ đồng.

Cũng là địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh Long An được hưởng nhiều lợi thế từ thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp. Đồng hành cùng tỉnh nhà và bà con nông dân trong phát triển kinh tế xã hội, nhiều năm qua, Agribank Chi nhánh tỉnh Long An luôn là đơn vị dẫn đầu trong các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, chính quyền địa phương đánh giá rất cao vai trò của Agribank Long An nói riêng và Agribank nói chung trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đóng góp công tác an sinh xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Gia đình ông Trần Văn Chính ở ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa sang mô hình trồng cây ăn trái. Trải qua nhiều năm chuyển đổi sang các loại cây ăn quả khác nhau với không ít mồ hôi công sức, đến nay, vườn sầu riêng của gia đình ông Chính đã phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Gia đình ông Chính là hộ sản xuất nổi tiếng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Tân Thạnh. Có được thành công này, bản thân ông Chính tự học hỏi rất nhiều, và không thể thiếu hướng dẫn về kỹ thuật của các đơn vị chuyên môn, chính quyền địa phương, cũng như nguồn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp. Ông Chính chia sẻ: “Nếu không có hỗ trợ đồng vốn từ Agribank, có lẽ ông không dám mạnh dạn chuyển đổi như vậy”.

Không chỉ với hộ gia đình ông Trần Văn Chính, nhiều hộ nông dân khác ở Long An cũng đang thu lượm trái ngọt từ thành quả lao động, sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, dư nợ phục vụ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của Agribank Long An là khoảng hơn 25.000 tỷ đồng. Phó Giám đốc Agribank Long An Phạm Trí Dũng cho biết, Chi nhánh hiện phục vụ hơn 40.000 khách hàng, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và dịch vụ sau nông nghiệp; cho vay trong hoạt động nuôi trồng thủy sản đạt hơn 120 tỷ đồng với hơn 200 khách hàng là cá nhân và hộ sản xuất.

Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, nguồn vốn Agribank đã có những đóng góp tích cực thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phục hồi sau đại dịch, phát triển bền vững. Với định hướng ưu tiên về nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho “Tam nông”, ưu tiên nguồn vốn rẻ, lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, không chỉ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà trên mọi miền đất nước, Agribank luôn được người nông dân, doanh nghiệp lựa chọn là “bà đỡ” tín dụng cho mình trên con đường làm giàu, hướng tới “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Thanh Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thuc-day-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung-5691634.html