Thúc đẩy giải pháp chính trị xử lý khủng hoảng Kosovo
Cộng đồng quốc tế nỗ lực thúc đẩy tiến trình đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng lãnh thổ Kosovo, trong bối cảnh mâu thuẫn âm ỉ nhiều năm qua giữa người Albania và người gốc Serbia tăng nhiệt sau các cuộc bầu cử địa phương.
Trong nỗ lực ngoại giao quốc tế mới nhất nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Kosovo, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC) tại Moldova ngày 1/6 tiến hành một phiên họp riêng về tình hình vùng lãnh thổ này và nhất trí yêu cầu các bên giảm leo thang, đối thoại để hóa giải mâu thuẫn, Euractiv đưa tin.
Quan chức phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrels cùng ngày đã có các cuộc gặp với Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và nhà lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani để gửi thông điệp thống nhất của EU, đồng thời lên án tình trạng bạo lực tại Kosovo. Ông Borrels cảnh báo, "nếu các bên không giảm leo thang, điều đó sẽ dẫn đến hậu quả trong quan hệ" với EU, nhưng không nêu chi tiết những hậu quả đó. Khi trao đổi với người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti ngày 31/5, ông Borrels từng nhấn mạnh: "Tình hình hiện tại rất nguy hiểm và không bền vững". "Chúng ta cần giảm leo thang khẩn cấp và một giải pháp thông qua đối thoại để thực hiện các thỏa thuận đã đạt được", quan chức EU nêu rõ.
Một số hãng tin châu Âu cho biết thêm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có kế hoạch đối thoại với lãnh đạo Serbia và Kosovo để tìm cách đưa các bên trở lại tiến trình đàm phán giải quyết bất đồng. Đức, Pháp, Italy, Anh và Mỹ trước đó ra thông cáo chung đề nghị chính quyền ở Kosovo cần chủ động giảm leo thang căng thẳng. Anadolu ngày 31/5 dẫn lời ông Macron một lần nữa cho rằng, chính quyền Kosovo "phải chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại, khi họ không tuân thủ các thỏa thuận quan trọng đạt được cách đây vài tuần". Đầu tháng 5/2023, lãnh đạo Serbia và Kosovo đã có cuộc đàm phán quan trọng do EU làm trung gian nhằm tiến gần hơn tới khả năng bình thường hóa quan hệ.
Kosovo rộng gần 11.000km, có dân số khoảng 1,8 triệu người, trong đó người gốc Albani chiếm 90% và người gốc Serbia chiếm hơn 5%, chủ yếu sinh sống ở phía Bắc. Gần 9 năm từ thời điểm lực lượng Serbia bị đẩy lùi khỏi Kosovo sau chiến dịch không kích quy mô lớn của NATO năm 1999 (Serbia khi đó là một thực thể thuộc Liên bang Nam Tư), chính quyền Kosovo tháng 2/2008 tuyên bố độc lập, nhưng không được Serbia, Liên Hợp Quốc (LHQ), Nga, Trung Quốc và nhiều quốc gia công nhận.
Đợt căng thẳng mới nhất giữa Serbia và Kosovo bùng phát tuần trước khi cảnh sát Kosovo đột kích các khu vực đông người Serbia sinh sống ở miền Bắc và kiểm soát các tòa nhà chính quyền địa phương để đưa các thị trưởng người Albania nhậm chức thay thế các quan chức gốc Serbia. Các quan chức đó được chọn trong các cuộc bầu cử địa phương mà người gốc Serbia tẩy chay, kéo theo các cuộc biểu tình. Tình hình leo thang khi đụng độ xảy ra giữa người gốc Serbia và cảnh sát địa phương cũng như lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kosovo do NATO dẫn đầu (KFOR) khiến hàng chục người biểu tình và 30 binh sĩ NATO bị thương. Ở bên kia ranh giới, Serbia tuyên bố đặt quân đội trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao và cảnh báo sẽ hành động nếu người gốc Serbia ở Kosovo bị đàn áp bạo lực, dấy lên lo ngại về cuộc xung đột mới ở Kosovo. Ngày 30/5 vừa qua, khối quân sự NATO thông báo họ sẽ triển khai thêm 700 binh sĩ đến Kosovo. KFOR hiện có khoảng 4.000 binh sĩ hiện diện ở Kosovo.
Để gây sức ép với chính quyền Kosovo, Mỹ ngày 30/5 có bước đi cứng rắn bất ngờ khi quyết định loại Kosovo khỏi một cuộc tập trận chung do Washington dẫn đầu. Trong tuyên bố mới nhất, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích người đứng đầu cơ quan hành pháp Kosovo Albin Kurti về quyết định bổ nhiệm một loạt thị trưởng người sắc tộc Albani tại những khu vực có đông người Serbia sinh sống và "làm gia tăng căng thẳng không cần thiết" kéo theo xung đột bạo lực thời gian qua.
Nga, một đồng minh thân cận của Serbia, cũng kêu gọi các bên có bước đi kiên quyết để hạ nhiệt căng thẳng, cho rằng phương Tây cần hành động quyết liệt hơn nữa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh thì đề nghị NATO tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Serbia cũng như "thực sự" thúc đẩy hòa bình ở bán đảo Balkan. Từ Ankara, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bày tỏ sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn ở Kosovo, nhấn mạnh cách duy nhất để thiết lập hòa bình và ổn định lâu dài là thông qua đối thoại. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Serbia Milos Vucevic ngày 31/5 cũng phát tín hiệu tích cực khi cho biết, ông tin tưởng vào đối thoại và giải pháp chính trị cho căng thẳng ở Kosovo. Ông Milos Vucevic sau đó xác nhận đã có các cuộc tiếp xúc với đại sứ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nga và Trung Quốc thảo luận về tình hình Kosovo.