Thúc đẩy giáo dục tài chính: Động lực nâng tầm thị trường
Giáo dục tài chính đóng vai trò nền tảng, thiết yếu trong việc kiến tạo một thị trường chứng khoán phát triển ổn định, minh bạch và bền vững. Yêu cầu đẩy mạnh giáo dục tài chính càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh thị trường đang mở rộng nhanh chóng, hướng tới các chuẩn mực quốc tế để phục vụ mục tiêu nâng hạng.

Giáo dục tài chính đóng vai trò định hình hành vi nhà đầu tư, nâng cao chất lượng dòng vốn và tăng cường tính bền vững của thị trường
Đồng thời, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra yêu cầu mới về phổ cập kiến thức, làm chủ công cụ và dịch vụ số cho nhà đầu tư.
Giáo dục tài chính - nền tảng phát triển thị trường
Giáo dục tài chính được xem là trụ cột chiến lược trong phát triển thị trường chứng khoán bền vững, đặc biệt đối với nhà đầu tư cá nhân. Việc nâng cao năng lực tài chính không chỉ giúp họ hiểu rõ rủi ro và lợi ích khi đầu tư, mà còn định hướng hành vi đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, dài hạn và kỷ luật. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức, giáo dục tài chính là quá trình thiết lập chuẩn mực hành vi, xây dựng niềm tin vào thị trường và khuyến khích nhà đầu tư lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro và mục tiêu tài chính.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia có thị trường vốn phát triển đều dành sự ưu tiên lớn cho giáo dục tài chính.

Ông Phạm Tiến Đạt, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính
Tại Mỹ, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) triển khai nền tảng Investor.gov cung cấp khóa học trực tuyến, công cụ mô phỏng và hướng dẫn đầu tư cá nhân. Hệ thống quỹ hưu trí như IRA và 401(k) đi kèm chính sách ưu đãi thuế khuyến khích nhà đầu tư duy trì khoản đầu tư dài hạn. Cách tiếp cận này vừa thúc đẩy hành vi đầu tư bền vững, vừa tăng tính gắn bó của nhà đầu tư với thị trường vốn.
Singapore tiếp cận theo hướng tích hợp khi Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) phát triển hệ thống giáo dục tài chính đa phương tiện, kết hợp e-learning, công cụ lập kế hoạch đầu tư và dữ liệu công bố hiệu quả quỹ một cách nhất quán, minh bạch. Việc công khai thông tin hiệu quả đầu tư và rủi ro của sản phẩm không chỉ hỗ trợ nhà đầu tư đưa ra quyết định đúng đắn mà còn thiết lập các chuẩn mực hành vi đầu tư trên thị trường.
Tại Malaysia, mô hình InvestSmart do Ủy ban Chứng khoán Malaysia phát triển là một ví dụ điển hình về cách kết hợp hiệu quả giữa giáo dục tài chính, bảo vệ nhà đầu tư và nâng cao chất lượng tư vấn. InvestSmart triển khai các hình thức giáo dục đa kênh như hội chợ tài chính, đào tạo trực tuyến, tư vấn miễn phí và chứng nhận kỹ năng cho nhà đầu tư cá nhân. Đặc biệt, chính sách phát triển lực lượng tư vấn tài chính độc lập (IFA) với yêu cầu minh bạch hóa phí và loại bỏ xung đột lợi ích đã góp phần đưa tỷ lệ tài sản quỹ/GDP lên trên 50% - thuộc nhóm cao nhất trong khu vực.
Trong khi đó, tại Thái Lan, việc đẩy mạnh giáo dục tài chính được thực hiện thông qua nền tảng Start to Invest và các chương trình đào tạo trong trường học, cùng hoạt động “tháng nhà đầu tư” được tổ chức thường niên.
Thực tiễn triển khai giáo dục tài chính tại Việt Nam
Nhiều hoạt động nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho nhà đầu tư, đặc biệt là đối tượng nhà đầu tư cá nhân đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai. Một trong những trọng tâm của công tác này là xây dựng hệ thống học liệu và nền tảng đào tạo trực tuyến, bao gồm các bài giảng điện tử, giáo trình theo chuyên đề, công cụ kiểm tra kiến thức và mô hình mô phỏng đầu tư. Cổng thông tin điện tử dành riêng cho đào tạo nhà đầu tư đã được thiết lập (https://srtc.org.vn).
Nhiều lớp đào tạo, hội thảo và buổi chia sẻ kiến thức tại các trường đại học, khu dân cư nhằm phổ cập kiến thức về chứng khoán và đầu tư tài chính đã được triển khai. Các chương trình như “Chứng khoán học đường”, “Nhà đầu tư thông minh”, “Trải nghiệm đầu tư” được triển khai với sự phối hợp của Trung tâm Hỗ trợ đào tạo chứng khoán (SRTC), các sở giao dịch và tổ chức trung gian, góp phần từng bước định hình hành vi đầu tư bài bản và có trách nhiệm.
Song song đó, các hội thảo chuyên đề, khóa đào tạo cho nhà đầu tư mới, cuộc thi tìm hiểu thị trường chứng khoán, cũng như các chương trình mô phỏng đầu tư giúp người tham gia làm quen với các quyết định tài chính trong môi trường thực tế cũng đã được tổ chức với sự tham gia tích cực của các tổ chức như VinaCapital, Dragon Capital, Yuanta, SSI, VNDIRECT.
Một giải pháp cũng được chú trọng là nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn, đảm bảo tính khách quan của hoạt động này. Theo đó, đội ngũ tư vấn viên tại các tổ chức trung gian tài chính được yêu cầu đáp ứng các tiêu chuẩn về chứng chỉ hành nghề, tuân thủ quy tắc đạo đức và không đưa ra cam kết lợi nhuận hoặc lời khuyên vượt quá phạm vi chuyên môn. Các tổ chức phân phối sản phẩm đầu tư cũng được yêu cầu lưu trữ hồ sơ tư vấn dưới dạng văn bản hoặc ghi âm trong thời gian nhất định để phục vụ cho công tác giám sát và hậu kiểm. Hệ thống kiểm tra định kỳ, kết hợp với các quy trình đánh giá và xử lý vi phạm, đang từng bước hình thành môi trường tư vấn minh bạch, có trách nhiệm, hướng đến bảo vệ nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường vốn.
Dù vậy, hoạt động giáo dục tài chính cho nhà đầu tư tại Việt Nam hiện vẫn chưa thực sự đồng bộ và chưa phát huy được vai trò nền tảng trong việc xây dựng một thị trường vốn chuyên nghiệp, bền vững. Các chương trình đào tạo vẫn thiên về phổ biến kiến thức cơ bản, chưa đa dạng về nội dung, hình thức và chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tiễn của các nhóm nhà đầu tư khác nhau. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, đào tạo và hỗ trợ ra quyết định tài chính chủ yếu mới dừng ở việc số hóa tài liệu thay vì xây dựng các nền tảng học tập và tương tác trực tuyến hiện đại.
Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả
Việt Nam cần một chiến lược giáo dục tài chính đồng bộ, hiện đại, lấy công nghệ làm nền tảng và nhà đầu tư làm trung tâm.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng hạng, phát triển toàn diện theo chuẩn mực quốc tế và ngày càng có sự tham gia sâu rộng của nhà đầu tư cá nhân, yêu cầu đặt ra là cần thiết kế lại chiến lược giáo dục tài chính theo hướng bài bản, đa tầng và tích hợp công nghệ số. Đây sẽ là yếu tố then chốt giúp cải thiện hành vi đầu tư, tăng cường minh bạch và tạo dựng niềm tin lâu dài vào thị trường tài chính quốc gia. Một số giải pháp được khuyến nghị trong thời gian tới, bao gồm:
Thứ nhất, xây dựng Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính. Một chính sách trụ cột cần được ưu tiên là việc ban hành Chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính (đến năm 2035). Chiến lược này cần tập trung phổ cập kiến thức tài chính cơ bản cho người dân, đặc biệt là kiến thức về đầu tư dài hạn, tích lũy thông minh và quản trị rủi ro. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên đóng vai trò chủ trì xây dựng và điều phối nội dung chiến lược, lồng ghép vào các hoạt động phát triển thị trường vốn. Song song, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể đưa nội dung tài chính cá nhân vào chương trình học chính khóa từ cấp phổ thông đến đại học, góp phần hình thành thói quen quản lý tài chính và đầu tư ngay từ sớm.
Để đảm bảo hiệu quả và tính thống nhất trong thực thi, cần thành lập một cơ quan điều phối giáo dục tài chính cấp quốc gia với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức tài chính và đơn vị cung cấp dịch vụ đầu tư. Mô hình này sẽ tạo ra cơ chế phối hợp liên ngành chặt chẽ, tránh tình trạng manh mún và trùng lặp trong triển khai.
Thứ hai, đa dạng hóa hình thức đào tạo và truyền thông. Việc truyền đạt kiến thức tài chính cần linh hoạt, đa kênh và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ngoài hình thức đào tạo trực tiếp, cần phát triển mạnh các nền tảng số như khóa học trực tuyến, video hướng dẫn, công cụ lập kế hoạch tài chính cá nhân và các cổng thông tin minh bạch, dễ tiếp cận.
Thứ ba, thiết lập hệ sinh thái tư vấn tài chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Một mảnh ghép quan trọng khác là phát triển đội ngũ tư vấn tài chính cá nhân theo hướng chuyên nghiệp hóa và độc lập. Điều này cần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động tư vấn tài chính cá nhân như mô hình IFA của Malaysia.
Khung pháp lý này cần bao gồm các tiêu chuẩn đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, quy định đạo đức nghề nghiệp, nghĩa vụ công khai phí và xử lý xung đột lợi ích. Đồng thời, các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và phân phối sản phẩm đầu tư cũng phải có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ tư vấn, minh bạch hóa toàn bộ quá trình nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cuối cùng.
Đầu tư cho giáo dục tài chính hôm nay chính là đầu tư cho sự trưởng thành của thị trường vốn trong tương lai.