Thỏa thuận thương mại Mỹ-EU: Bước đi 'lớn chưa từng có', cảnh báo thách thức mới, thị trường chứng khoán còn nhiều ẩn số

Mỹ-EU đã đạt đồng thuận sau thời gian đàm phán căng thẳng, với cam kết đầu tư, mua sắm năng lượng, thiết bị quân sự quy mô lớn; giới lãnh đạo châu Âu thận trọng nhưng hoan nghênh bước tiến tích cực.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau khi đàm phán đạt được thỏa thuận thương mại tại Scotland, ngày 27/7. (Nguồn: Getty)

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen sau khi đàm phán đạt được thỏa thuận thương mại tại Scotland, ngày 27/7. (Nguồn: Getty)

Ngày 28/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đạt được khuôn khổ cho thỏa thuận thương mại mới, đánh dấu bước đột phá sau thời gian dài đàm phán với đối tác thương mại lớn nhất của Washington.

Thỏa thuận lớn nhất

Thỏa thuận được công bố sau cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Turnberry, Scotland. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế nhập khẩu 15% đối với phần lớn hàng hóa từ EU, bao gồm ô tô, dược phẩm và chất bán dẫn, bằng một nửa so với mức từng bị đe dọa trước đó.

Phát biểu tại buổi họp báo chung, Tổng thống Trump cho biết EU đã đồng ý mua 750 tỷ USD năng lượng từ Mỹ và cam kết đầu tư thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Ông khẳng định các quốc gia EU sẽ được mở cửa thương mại với Mỹ với mức thuế bằng 0, đồng thời nhất trí mua số lượng lớn thiết bị quân sự của Mỹ.

Dù chi tiết cụ thể chưa được công bố, ông Trump ca ngợi đây là thỏa thuận là “lớn nhất từng đạt được”, khẳng định thắng lợi kinh tế và chiến lược quan trọng của Mỹ. Ông nhấn mạnh: “dược phẩm là mặt hàng rất đặc biệt. Chúng tôi không thể để mình phụ thuộc vào các nước khác”, khi đề cập lý do tăng thuế nhập khẩu đối với dược phẩm sản xuất ngoài Mỹ, trong đó Ireland, một thành viên EU, là nguồn cung lớn nhất.

Tuy nhiên, hãng Reuters đưa tin, giới lãnh đạo châu Âu tỏ ra thận trọng hơn. Chủ tịch von der Leyen thừa nhận, “đàm phán rất khó khăn” nhưng khẳng định kết quả đạt được là “tốt cho cả hai bên”. Bà cho rằng thỏa thuận sẽ mang lại “sự ổn định” và “tính dự báo” cho quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Theo phía EU, thỏa thuận thương mại đạt được sẽ mang lại “sự ổn định” và “tính dự báo” cho quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ảnh minh họa. (Nguồn: Epthinktank)

Theo phía EU, thỏa thuận thương mại đạt được sẽ mang lại “sự ổn định” và “tính dự báo” cho quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ảnh minh họa. (Nguồn: Epthinktank)

Cảnh báo thách thức vẫn còn

Theo Bộ Thương mại Mỹ, tổng giá trị trao đổi hàng hóa giữa EU và Mỹ trong năm ngoái đạt 975 tỷ USD. Việc đạt được khuôn khổ thỏa thuận mới được đánh giá giúp giảm nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương – điều có thể gây tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz viết trên nền tảng X rằng thỏa thuận giúp tránh được “cuộc xung đột thương mại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Đức”. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni hoan nghênh bước tiến tích cực nhưng cho rằng “cần xem chi tiết thỏa thuận”. Thủ tướng Ireland Micheál Martin đánh giá thỏa thuận “tốt cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà đầu tư”, song thừa nhận thương mại song phương sẽ trở nên “thách thức hơn” do mức thuế mới.

Động thái đạt thỏa thuận lần này diễn ra ngay trước thời hạn chót 1/8 mà ông Trump đặt ra. Nếu không có tiến triển, mức thuế với hàng hóa EU có thể đã tăng lên 30% – so với mức cơ bản 10% trước đó. Trong các tháng trước, ông Trump từng liên tục đe dọa nâng thuế lên 20%, 30%, thậm chí 50% với EU để gây áp lực đàm phán.

Ngoài thỏa thuận với EU, ông Trump tái khẳng định các đối tác thương mại khác như Hàn Quốc, Brazil cũng đang đối mặt nguy cơ áp thuế cao, trong khi Mỹ và Trung Quốc đang hướng tới thời hạn chót 12/8 để đạt một thỏa thuận mới.

Các nhà giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ, ngày 25/7. (Nguồn: CNBC)

Các nhà giao dịch tại Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), Mỹ, ngày 25/7. (Nguồn: CNBC)

Chứng khoán phản ứng tích cực nhưng còn nhiều ẩn số

Thông tin về thỏa thuận thương mại Mỹ - EU đã thúc đẩy đà tăng của thị trường chứng khoán toàn cầu trong phiên đầu tuần, đồng Euro cũng phục hồi mạnh. Giới đầu tư kỳ vọng thỏa thuận sẽ góp phần giảm bất ổn và hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản chuẩn bị nhóm họp chính sách.

Tại Mỹ, hợp đồng tương lai Dow Jones và S&P 500 cùng tăng 0,4%, Nasdaq 100 tăng 0,5%. Trước đó, cả ba chỉ số chính của phố Wall đều tăng trong tuần qua, với S&P 500 lập đỉnh năm phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, theo CNN, thỏa thuận Mỹ - EU mới chỉ là bước đi đầu tiên. Quá trình đàm phán chi tiết được dự báo còn phức tạp, khi các bất đồng về dược phẩm, chất bán dẫn và quốc phòng chưa được giải quyết dứt điểm. Sự thận trọng từ các nước châu Âu và khả năng Mỹ áp thuế cao hơn với những đối tác chậm tiến triển cũng là rủi ro hiện hữu đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Trong tuần này, nhà đầu tư dõi theo nhiều sự kiện quan trọng, bao gồm cuộc họp chính sách của Fed, báo cáo lạm phát và “mùa” công bố kết quả kinh doanh với hơn 150 doanh nghiệp thuộc S&P 500. Các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Microsoft, Amazon và Apple sẽ lần lượt công bố báo cáo tài chính từ giữa tuần.

Cùng với đó là thời hạn chót 1/8 - mốc thời gian mà Tổng thống Trump đặt ra để hoàn tất các thỏa thuận thương mại với các đối tác chính, bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Brazil.

Hạ Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thoa-thuan-thuong-mai-my-eu-buoc-di-lon-chua-tung-co-canh-bao-thach-thuc-moi-thi-truong-chung-khoan-con-nhieu-an-so-322560.html