Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong môi trường đại học
Nghiên cứu khoa học đã trở thành hoạt động học thuật sôi nổi thu hút sự tham gia tích cực từ sinh viên, giảng viên.
Vừa qua, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức Lễ Công bố và Trao thưởng Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2023 - 2024.
Theo nhà trường, năm học 2023-2024, có 437 đề tài đăng ký, 436 đề tài được phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện, trong đó có 42 đề tài cấp Khoa và 394 đề tài cấp Trường với hơn 1500 sinh viên tham gia. Mức hỗ trợ kinh phí cho các đề tài từ 2 triệu đến 5 triệu đồng, tùy vào quy mô và tính chất của đề tài nghiên cứu.
Nhiều đề tài mới, sáng tạo
Nhà trường đánh giá các đề tài qua 2 vòng sơ khảo và chung khảo. Tại vòng sơ khảo, các đơn vị đã đề cử 90 đề tài xuất sắc để tham dự giải cấp Trường. Hội đồng sơ khảo đã chọn ra 54 đề tài xuất sắc vào vòng chung khảo giải thưởng.
Vòng chung khảo được diễn ra vào 11/2024, hội đồng đã chấm và xếp hạng các đề tài, mỗi lĩnh vực có 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba và các giải Khuyến khích.
Giải Nhất thuộc về đề tài “hình tượng thần linh từ văn bản hát văn Nôm đến thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ tại TPHCM” của nhóm sinh viên khoa Văn học và đề tài “đề xuất giải pháp sử dụng dịch vụ giao thông công cộng giảm tình trạng kẹt xe ở TP Thủ Đức” của nhóm sinh viên khoa Đô thị học.
TS Hoàng Ngọc Minh Châu – Phó Trưởng phòng Đối ngoại và Quản lý khoa học cho biết, các đơn vị có sự quan tâm đến chất lượng nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhiều đề tài có tính mới, tính sáng tạo và có khả năng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống được thực hiện bài bản, hiệu quả.
“Hơn 20 bài công bố trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nhà trường đã xuất bản sách kỷ yếu có chỉ số ISBN Khoa học xã hội và nhân văn 2023 (Hội thảo khoa học sinh viên – SCSSH 2023) gồm 2 tập với hơn 70 bài viết được chọn lọc.
Bên cạnh các sản phẩm công bố, năm nay các đề tài cũng quan tâm hơn đến việc ứng dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của địa phương thể hiện giá trị cốt lõi trách nhiệm của nhà trường trong phục vụ cộng đồng”, TS Châu cho hay.
"Ăn, ngủ" với nghiên cứu khoa học
Nguyễn Thu Nguyên (sinh viên năm 4 - Khoa Báo chí Truyền thông) cho biết, nhóm của Nguyên nghiên cứu về đề tài “Thông tin biến đổi khí hậu trên các báo trực tuyến khu vực đồng bằng sông Cửu Long”, mất gần 9 tháng để hoàn thành đề tài.
"Chúng em đã có những tháng “ăn dầm nằm dề” với nghiên cứu khoa học. Mở mắt là đọc tài liệu, nhắm mắt là làm số liệu… Có một địa điểm quen thuộc cho mỗi cuộc họp làm nghiên cứu là quán ở chung cư Phạm Viết Chánh, đến nỗi “ám ảnh”, nhắc tới quán này chỉ nghĩ tới nghiên cứu khoa học", Nguyên nói.
Đề tài của nhóm được khởi xướng từ bạn Hồ Anh Tuấn – trưởng nhóm. Tuấn là người con của vùng đồng bằng sông Cửu Long, bản thân Tuấn nuôi dưỡng một khao khát muốn trở về góp sức cho cộng đồng. Nghiên cứu của nhóm một phần hướng về điều ấy bằng cách vận dụng kiến thức chuyên ngành báo chí vào vấn đề trong thực tiễn.
Nguyên cho biết thêm, trong hành trình làm nghiên cứu, nhóm cử hai thành viên đi thực tế ở miền Tây với mục đích phỏng vấn các phóng viên địa phương. Khi được gặp gỡ và trò chuyện cùng những người thực làm, nhóm đã "vỡ" ra nhiều điều để có thêm tư liệu cho bài nghiên cứu.
Sự cố gắng đã được đền đáp xứng đáng khi nhóm của Thu Nguyên đạt được ba giải thưởng quý giá: giải Nhất Nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), giải Nhì Nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và giải Khuyến khích cuộc thi Nghiên cứu khoa học sinh viên thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Từ tháng 10/2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đã xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2024 - 2025 với 419 đề tài được duyệt và cấp kinh phí. Trong đó, 71 đề tài thuộc nhóm ngành khoa học cơ bản theo chương trình được hỗ trợ.