Thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế

Với mục tiêu nâng cao tính chủ động, giúp các doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị tận dụng tốt các cơ hội, giảm thiểu khó khăn, thách thức từ những Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA), thời gian qua, Vĩnh Phúc không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao năng lực hội nhập kinh tế quốc tế ở tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.

Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Công ty TNHH Kowa Global với 100% vốn Nhật Bản sớm đi vào hoạt động hiệu quả tại KCN Bình Xuyên.Ảnh: Thế Hùng

Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Công ty TNHH Kowa Global với 100% vốn Nhật Bản sớm đi vào hoạt động hiệu quả tại KCN Bình Xuyên.Ảnh: Thế Hùng

Cũng như các địa phương khác trên cả nước, 6 tháng đầu năm 2022,Vĩnh Phúc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH đan xen thuận lợi, khó khăn và thách thức. Song, công tác thông tin, tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh phối hợp, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức về chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế quốc tế, phát triển ngoại thương, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Quốc gia; các hoạt động đối ngoại cấp địa phương và hoạt động hội nhập quốc tế của tỉnh; thông tin về các Hiệp định đã ký kết và có hiệu lực thực thi; thông tin liên quan đến ASEAN và các sự kiện đối ngoại cấp nhà nước.

Cùng với đó, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các sở, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường, trong đó tập trung công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, tổ chức, nhà đầu tư, góp phần kích cầu đầu tư xã hội, hỗ trợ phát triển DN và giải quyết việc làm cho người lao động.

Ước lũy kế đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh giải ngân hơn 2.982,2 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao (bao gồm cả 3 cấp ngân sách tỉnh, huyện và xã), so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (6.937,4 tỷ đồng) đạt 43%, cao hơn một số tỉnh có cùng điều kiện trong khu vực và cao hơn trung bình chung của cả nước.

Đoàn doanh nghiệp Nhật bản tham quan các doanh nghiệp trong KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.Ảnh: Thế Hùng

Đoàn doanh nghiệp Nhật bản tham quan các doanh nghiệp trong KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.Ảnh: Thế Hùng

Các hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh cũng được đẩy mạnh, thích ứng linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh. Nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, đối thoại DN đã được triển khai thực hiện như: Hội nghị xúc tiến đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) vào tỉnh Vĩnh Phúc tháng 4/2022, lễ khởi động chương trình hợp tác phát triển Nhà máy thông minh tại Vĩnh Phúc vào tháng 5/2022, phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác phát triển Việt Nam - Nhật Bản tháng 6/2022, hội nghị gặp mặt các DN tư vấn trên địa bàn tỉnh tháng 6/2022 và tổ chức Chương trình lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần, hỗ trợ nhà đầu tư, DN giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư và triển khai dự án tại Vĩnh Phúc.

Đến nay, UBND tỉnh đã tiếp và làm việc với 12 đoàn đến từ các nước Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… đến tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc đã thu hút được 12 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 7.744 tỷ đồng, tăng 20% về số dự án; cấp phép cho 30 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 224 triệu USD, tăng 3,45% về số dự án so với cùng kỳ 2021.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 500 DN có hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có 400 DN có hoạt động xuất nhập khẩu thường xuyên. Tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do, các DN trên địa bàn đã chủ động tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường.

Nhờ đó, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng khá cả về kim ngạch và số lượng mặt hàng. Nhiều sản phẩm của tỉnh có khả năng cạnh tranh ở các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tính đến ngày 15/6/2022, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 6.591 triệu USD, tăng trên 27% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6.518 triệu USD, tăng trên 29% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trên địa bàn còn mỏng, đăc biệt năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế khiến công tác truyền thông xúc tiến thương mại, định hướng cho DN trong việc thực thi các Hiệp định, hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế.

Cùng với đó, nhận thức về cơ hội, những khó khăn, thách thức mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại của một số tổ chức, DN chưa đầy đủ, khả năng nhận định, đánh giá, dự báo xu thế hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao, chưa khai thác có hiệu quả các lợi ích của hội nhập kinh tế quốc tế...

Thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về hội nhập quốc tế, thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung và chính sách của trung ương, của địa phương về hội nhập kinh tế quốc tế và các Hiệp định thương mại thế hệ mới bằng các hình thức đến cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng DN và người dân.

Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các DN có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác, đẩy mạnh cơ hội hợp tác, xuất khẩu... Đồng thời, đẩy mạnh cải cách TTHC, đảm bảo Quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài...

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81886/thuc-day-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te.html