Thúc đẩy hợp tác công tư trong thể dục - thể thao
Bên cạnh những thành tích nổi bật, ngành thể dục-thể thao (TDTT) Việt Nam còn những hạn chế như: Công tác xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về TDTT chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn; một số vấn đề đã được quy định tại Luật TDTT khó triển khai; nhiều quy định pháp luật lạc hậu, không phù hợp với thực tiễn, chậm được điều chỉnh, bổ sung; việc bố trí, huy động và khai thác các nguồn lực phục vụ phát triển sự nghiệp TDTT còn nhiều bất cập; các quy định, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực TDTT khó được triển khai. Từ những tồn tại, hạn chế trên cho thấy ngành TDTT đang thiếu những cơ chế, chính sách đặc thù.
Trong những năm qua, ngành TDTT luôn được sự quan tâm của Đảng và đầu tư mạnh mẽ của Nhà nước. Tuy nhiên, về số lượng công trình thể thao theo tiêu chí cơ bản (sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi) chưa đáp ứng được việc tập luyện và thi đấu thể thao cũng như nhu cầu tập luyện của các tầng lớp nhân dân. Các công trình thể thao hiện đại không nhiều. Nhiều trung tâm thể thao từ Trung ương đến địa phương đã được quy hoạch nhiều năm đến nay vẫn chậm tiến độ hoặc chưa được triển khai xây dựng. Quy hoạch đất dành cho các trung tâm thể thao, các thiết chế thể thao từ Trung ương đến nhiều tỉnh, thành phố chưa được hoặc chậm đầu tư, khai thác sử dụng gây lãng phí. Khai thác các cơ sở hạ tầng thể thao và cung ứng dịch vụ công, quản trị khó được thực hiện do chưa có văn bản pháp lý phù hợp và nhiều văn bản pháp lý ràng buộc dẫn đến nguồn thu hạn chế. Các hạng mục công trình thể thao dần bị xuống cấp dù nguồn kinh phí hằng năm Nhà nước vẫn cấp cho công tác bảo trì.
Ví dụ, Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) là trung tâm thể thao lớn song đang gây ra nhiều bất cập, lãng phí nguồn tài nguyên... Qua đó ta thấy, nếu ngành TDTT được nằm trong hình thức đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), cùng với việc điều chỉnh, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan, chắc chắn sẽ khắc phục được những tồn tại trên, các thiết chế thể thao ở Trung ương, các tỉnh, thành phố và Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình có cơ sở kêu gọi nhà đầu tư cho các dự án, công trình thể thao đã được phê duyệt. Đồng thời, việc quản trị vận hành và khai thác dịch vụ công sẽ hiệu quả, sẽ có được những công trình thể thao hiện đại, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong đầu tư công.
Hiện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang soạn thảo để trình Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với các quan điểm phát triển và mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và các giải pháp thực hiện. Để thực hiện tốt các quan điểm, mục tiêu của chiến lược đi vào cuộc sống và TDTT nước nhà phát triển một cách bền vững, phát huy hết tiềm năng và lợi thế, có cơ chế phù hợp thu hút mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho thể thao và đất nước ta thực sự có những công trình thể thao hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau: Thứ nhất, kiến nghị bổ sung TDTT vào lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP. Thứ hai, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan và Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP. Thứ ba, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần khảo sát, điều tra và lập đề án trình Chính phủ, Quốc hội cho ngành TDTT thí điểm thực hiện đầu tư theo hình thức PPP, trước hết thí điểm Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.
TS VŨ THÁI HỒNG, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Thể thao
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.