Thúc đẩy hợp tác, liến kết doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI

Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng các chuỗi liên kết giá trị trong nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã ban hành, triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết, kết nối các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư trong nước (DDI) với DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Qua đó, thúc đẩy DN tiếp cận với công nghệ tiên tiến, hiện đại và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) chuyên sản xuất phụ tùng cơ khí chính xác trên dây chuyền công nghệ hiện đại, cung cấp cho các nhà đầu tư FDI như: Honda, Panasonic, Nissin Brake... Ảnh: Thế Hùng

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos (KCN Khai Quang) chuyên sản xuất phụ tùng cơ khí chính xác trên dây chuyền công nghệ hiện đại, cung cấp cho các nhà đầu tư FDI như: Honda, Panasonic, Nissin Brake... Ảnh: Thế Hùng

Không ngừng đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm, mở rộng thị trường, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Công ty TNHH Phú Lương (Phúc Yên) chuyên chế tạo các sản phẩm phụ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất đã trở thành đối tác tin cậy của các DN FDI lớn trên địa bàn như Công ty Toyota Việt Nam, Công ty Toyota Boshoku Hà Nội, Công ty TNHH Nippon Kouatsu Electric Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Công Ty TNHH Enkei Việt Nam, Công ty TNHH Kohsei Multipack Việt Nam.

Công ty đang tạo việc làm cho hơn 50 lao động, thu nhập trung bình trên 8 triệu đồng/người/tháng, doanh thu đạt trên 10 tỷ đồng/năm

Chia sẻ về những kinh nghiệm hợp tác, liên kết với các DN FDI, ông Đoàn Văn Lương, Giám đốc công ty cho biết: Quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng là một trong những yếu tố mà DN DDI phải đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn, tiêu chí khi hợp tác với DN FDI. Ngoài ra sự tương đồng về dây chuyền công nghệ, con người, hệ thống quản lý và môi trường làm việc cũng là một lợi thế.

Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng sự nỗ lực của các DN, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều DN nội đã tạo được mối liên kết, hợp tác, cung ứng thường xuyên một số sản phẩm phụ trợ cho các DN FDI trong lĩnh vực chế tạo, cơ khí như Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Thuận An, Công ty TNHH công nghệ Cosmos, Công ty TNHH Điện - Điện tử Mê Trần Bình Xuyên, Công ty TNHH Công nghiệp Lâm Viễn Vĩnh Phúc

Là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí, ô tô, xe máy và điện tử, Vĩnh Phúc có trên 14.000 DN đăng ký sản xuất, kinh doanh (SXKD) với khoảng 70% DN thực tế hoạt động, trong đó có hàng trăm DN FDI đến từ 20 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đầu tư, phát triển trên địa bàn.

Để nâng cao khả năng đổi mới sáng tạo của các DN, tạo điều kiện cho các DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ liên kết, kết nối các DN DDI của tỉnh với DN FDI.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp hỗ trợ DN tiếp cận đất đai, có mặt bằng sạch để đầu tư SXKD; hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Cùng với đó, tỉnh không ngừng thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo cơ hội để các DN tiếp cận thị trường, tìm hiểu thông tin, kết nối, hợp tác.

Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), Vĩnh Phúc hiện có 16 DN nội địa đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các ngành xe máy, điện tử, ô tô, máy nông nghiệp và cơ khí chế tạo của các công ty FDI tại Việt Nam. Theo kết quả khảo, hiện có 64% DN Vĩnh Phúc đã hoặc đang liên kết với các DN FDI.

Tuy nhiên, tỉ lệ DN Vĩnh Phúc tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các DN FDI đầu chuỗi giá trị còn rất ít, các DN tham gia sản xuất ở các lớp dưới trong chuỗi cũng chỉ mới hình thành.

Mặc dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa giữa năng lực của DN trong nước và nhu cầu của DN FDI trên địa bàn.

Nguyên nhân là do DN nội chưa chủ động trong việc tìm kiếm, tiếp cận với các khách hàng FDI tiềm năng; ít tham gia các tô chức hội, hiệp hội, nhóm; chưa có nhân sự chuyên trách để phân tích thông tin thị trường, tìm kiếm khách hàng mới. Ngoài ra, còn do áp lực về nguồn vốn, công nghệ, quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm...

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực cạnh tranh của các DN DDI trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã ban hành Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa DN của tỉnh với các DN FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại đề án, tỉnh đã đưa ra các nhóm giải pháp nhằm thúc đẩy liên kết giữa DN DDI với DN FDI như tập trung xây dựng các chính sách mới trong quản lý và thu hút đầu tư, tăng cường số lượng DN nội địa có chất lượng trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực DN đáp ứng yêu cầu của chuỗi cung ứng...

Hiện nay, tỉnh cũng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia có dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu

Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/96436//thuc-day-hop-tac-lien-ket-doanh-nghiep-ddi-voi-doanh-nghiep-fdi