Thúc đẩy hướng nghiệp để không lãng phí nguồn nhân lực

Công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh là hoạt động không thể thiếu ở các trường phổ thông. Qua hướng nghiệp, học sinh nâng cao hiểu biết để định hướng chọn ngành, nghề phù hợp, tránh bỏ ngang giữa chừng.

Học sinh THPT tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Học sinh THPT tham gia Ngày hội tư vấn hướng nghiệp.

Còn bất cập trong triển khai, phối hợp

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành: Ngày 14/5/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” (Đề án 522). Đề án nhấn mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục hướng nghiệp, gắn kết với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, đồng thời thúc đẩy các biện pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) vào giáo dục nghề nghiệp.

Triển khai Đề án 522, việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp tại các trường THCS và THPT đã đạt được nhiều kết quả, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, ở cấp THCS, tỷ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương đạt 68,52%, vượt chỉ tiêu đề ra là 55%. Ở cấp THPT có 75,93% các trường thực hiện, vượt mức mục tiêu ban đầu 60%. Tỷ lệ trường có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cấp THCS đạt 74,07%, cấp THPT đạt 77,78%, vượt chỉ tiêu đề ra.

Các hoạt động tuyên truyền và định hướng nghề nghiệp đã được tổ chức rộng rãi nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh và xã hội về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh. Một điểm nổi bật trong thời gian qua là việc tích hợp giáo dục STEM vào các môn học, giúp học sinh sớm nhận thức và định hướng nghề nghiệp thông qua các hoạt động thực hành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, và toán học. Việc này đã giúp nâng cao tính ứng dụng và khả năng thích nghi của học sinh với các lĩnh vực công việc trong tương lai.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, trong quá trình triển khai đề án, vẫn còn nhiều bất cập, tồn tại liên quan đến thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền, hạn chế về tài liệu, công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực thực hiện, kinh phí triển khai, công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, sự quan tâm, nhận thức của toàn xã hội.

Theo số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố về đợt tuyển sinh năm 2024, số thí sinh xác nhận nhập học đại học đợt 1 năm 2024 có 551.479 thí sinh trên tổng số 673.586 thí sinh trúng tuyển. Như vậy, số thí sinh trúng tuyển nhưng bỏ nhập học trong đợt 1 vào khoảng 122.000.

Thực tế, mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng những năm gần đây chứng kiến nhiều trường hợp học sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT khá cao nhưng lại lựa chọn theo học Cao đẳng, Trung cấp nghề hoặc trúng tuyển đại học nhưng không xác nhận nhập học. Cá biệt không ít sinh viên đang học đại học đã dừng để đi học nghề, hoặc du học... vì nhận thấy ngành nghề đã chọn không phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhận định: Trong bối cảnh già hóa dân số có xu hướng tăng nhanh, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện căn cơ, bài bản, tổng thể phù hợp với bối cảnh, áp dụng được vào thực tiễn.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh, đồng thời nhận định, trên thực tế công tác này phải được làm tốt hơn để không lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.

Thay đổi nhận thức về việc học nghề

Đồng hành cùng học sinh qua nhiều mùa thi cử, cô Đinh Thị Thùy Dung - giáo viên Trường THPT Bất Bạt (Hà Nội) chia sẻ, tư vấn hướng nghiệp là “chìa khóa” giúp học sinh mở ra nhiều cánh cửa sau tốt nghiệp. Đối với học sinh cuối cấp THCS, học sinh cấp THPT, hướng nghiệp càng quan trọng hơn. Lúc này các em rất cần được tư vấn, định hướng để chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu xã hội. Các học sinh cũng cần nhận thức được rằng học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nếu năng lực học tập không thể đáp ứng, các em có thể lựa chọn những hướng đi khác như học nghề, đi du học, xuất khẩu lao động... Công tác tư vấn hướng nghiệp cũng không phải đợi đến cuối cấp học mới thực hiện mà cần triển khai liên tục, xuyên suốt.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, thời gian qua, công tác hướng nghiệp, định hướng phân luồng cho học sinh đã được thực hiện linh hoạt, lồng ghép chủ động trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, hướng nghiệp được thực hiện thông qua giảng dạy các môn văn hóa, thông qua hoạt động trải nghiệm, tổ chức học tập thông qua các dự án học tập, cuộc thi khởi nghiệp, khoa học kỹ thuật, ngày hội STEM…

Phương pháp giáo dục hướng nghiệp được thực hiện theo hướng tạo môi trường học tập, thân thiện và những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động học tập, tự phát hiện năng lực, nguyện vọng của bản thân. Thực hiện phương châm giáo dục phân hóa, đảm bảo học sinh được tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn đào tạo nhân lực chất lượng.

Để công tác giáo dục hướng nghiệp được tốt hơn, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền đề xuất cần cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau THPT, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh THPT. Cùng với đó cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình.

GS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, cần phải thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề. Chữ nghề đi cùng chữ nghiệp nên phải chú trọng các chính sách về đầu ra cho các nghề nghiệp đã được định hướng trong nhà trường cũng như đào tạo sau khi phân luồng. Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo công bằng. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội.

Với quan điểm công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng phải bắt đầu từ nhu cầu của học sinh, bà Nguyễn Thị Thu Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ, muốn học sinh có nhu cầu, sở thích hướng nghiệp thì cần 100% giáo viên ở các trường học phải có nhận thức đầy đủ về công tác này. Điều này cũng phù hợp với định hướng, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

HẢI YẾN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-day-huong-nghiep-de-khong-lang-phi-nguon-nhan-luc-10296082.html