Thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp sạch, công nghệ cao

Lĩnh vực nông nghiệp được xem là mảnh đất màu mỡ để nhiều người trẻ khởi nghiệp với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Không ít bạn trẻ đã tiên phong áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, góp phần hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bước đầu gặt hái được thành công.

Năng động, được tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nhiều bạn trẻ đã chọn khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó trọng tâm là hướng tới sản phẩm nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành chuỗi các sản phẩm có chất lượng, tiêu biểu của tỉnh, gia tăng hiệu quả kinh tế. Thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn có không ít bạn trẻ đã thành công với mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao.

 Du khách trải nghiệm ở vườn nho Hạ Đen của gia đình chị Giáp Thị Tuyền.

Du khách trải nghiệm ở vườn nho Hạ Đen của gia đình chị Giáp Thị Tuyền.

Mô hình trồng nho Hạ Đen theo hướng hữu cơ gắn với du lịch sinh thái của chị Giáp Thị Tuyền (SN 1996) ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (thị xã Chũ) đang là một trong những điểm sáng của bức tranh nông nghiệp tỉnh nhà. Nhận thấy tiềm năng lớn của quê hương trong phát triển nông nghiệp sạch, năm 2021, chị Tuyền cùng gia đình đầu tư khoảng 400 triệu đồng cải tạo ruộng, dựng nhà lưới, sau đó chị mua hơn 1,6 nghìn cây nho Hạ Đen về trồng trên diện tích khoảng 6 nghìn m2.

Theo chị Tuyền, trước đây khu ruộng này từng cấy lúa, trồng ngô song hiệu quả thấp, khi chuyển sang trồng nho Hạ Đen cho năng suất khoảng 8 tấn/năm (2 vụ), trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác và hiện tại đang giải quyết việc làm cho 7 lao động. Ngoài ra, vườn nho còn là địa chỉ trải nghiệm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước vào mùa thu hoạch, từ đó dần hình thành điểm du lịch nông nghiệp sinh thái.

Mô hình sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ hoa, rau sạch Dĩnh Trì ở tổ dân phố Núi, phường Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) được xem là điển hình trong phát triển nông nghiệp đô thị. Với hơn 5 nghìn m2 đất ruộng, HTX đã đầu tư xây dựng nhà lưới khoảng 2 nghìn m2 chuyên trồng, cung cấp hàng trăm loại hoa, cây cảnh, cây nội thất, cây công trình có giá từ vài chục nghìn đến hàng chục triệu đồng mỗi cây.

Dịp cuối năm này, khu vườn của HTX luôn tấp nập khách hàng nhiều tỉnh, thành phố đến nhập hàng mang đi tiêu thụ. Theo anh Nguyễn Văn Lân (SN 1986), Phó Giám đốc HTX, năm 2019, được Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND TP Bắc Giang hỗ trợ tổng số 400 triệu đồng, HTX đã đầu tư thêm để xây dựng khu nhà màng. Ngoài những kinh nghiệm trồng, chăm sóc hoa truyền thống, HTX đã ứng dụng các loại phân bón, thuốc, kỹ thuật chăm sóc hiện đại để cây phát triển, ra hoa đúng thời điểm.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, do những người trẻ thành lập, quản lý như: Mô hình du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp bền vững của anh Ngô Cao Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển du lịch cộng đồng Bản Ven xanh (Yên Thế); HTX Lục Ngạn xanh với những sản phẩm được canh tác theo hướng hữu cơ; HTX Dược liệu công nghệ cao Trường Sơn (Lục Nam) có 3 sản phẩm được công nhận OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó trà hoa vàng đạt tiêu chuẩn 4 sao...

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay dư địa phát triển nông nghiệp của tỉnh còn rất lớn, tư duy sản xuất của người nông dân có nhiều thay đổi, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo có nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 792 HTX nông nghiệp với khoảng 11,8 nghìn thành viên, doanh thu bình quân ước đạt 800 triệu đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 300 triệu đồng/HTX. Trong đó số lượng các HTX do lao động trẻ, phụ nữ khởi nghiệp chiếm hơn 35%, góp phần không nhỏ vào việc khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, là cơ sở hình thành chuỗi các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.

Thời gian tới, ngành chức năng và các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông truyền cảm hứng khởi nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; tham mưu tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp lồng ghép với các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, kết nối nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp khả thi; thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; duy trì tổ chức cuộc thi tìm kiếm những ý tưởng, sáng kiến về khởi nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện cho thanh niên, phụ nữ vay vốn khởi nghiệp...

Bài, ảnh: Nguyễn Hưởng

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-day-khoi-nghiep-nong-nghiep-sach-cong-nghe-cao-postid411808.bbg