Thúc đẩy kinh tế nông thôn từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm
Thời gian qua, tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần tạo hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của địa phương. Qua đó nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển.

Công ty TNHH Nga Sơn Tofu ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) đang tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà xưởng, mua sắm máy móc để nâng hạng sản phẩm đậu dầm Nga Sơn Tofu lên OCOP 4 sao. Ảnh: NGỌC HÂN
Tiếp sức, gìn giữ thương hiệu OCOP
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 377 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (10 sản phẩm đạt 4 sao, 367 sản phẩm đạt 3 sao) của 156 chủ thể; trong đó có 21 HTX nông nghiệp, chiếm 13,46%; 25 doanh nghiệp, chiếm 16,03%, 110 hộ kinh doanh, chiếm 70,51% và 1 tổ hợp tác chiếm 0,64%. Các sản phẩm OCOP của Phú Yên ngày càng có chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng và phù hợp với thị trường.
Ông Hồ Văn Nhân, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Để người tiêu dùng biết đến sản phẩm OCOP, tỉnh đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại như: giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử của tỉnh (http://phuyentrade.gov.vn); tư vấn hướng dẫn xây dựng, phát triển thương hiệu; hướng dẫn ứng dụng, trang web thương mại điện tử, qua Facebook, các sàn thương mại điện tử (Lazada, Shopee, Tiki...); đặc biệt là xây dựng và hình thành các chuỗi phân phối sản phẩm OCOP riêng biệt, thúc đẩy hoạt động kết nối cung cầu.
Theo các chủ thể tham gia chương trình, sản phẩm khi được chứng nhận đạt OCOP, được các cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu… nên được nhiều người biết đến hơn, từ đó sản xuất sản phẩm số lượng tăng hơn trước từ 20-30%.
Ông Trần Văn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Nga Sơn Tofu ở xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất sản phẩm đậu dầm truyền thống. Trước đây chưa được công nhận sản phẩm OCOP, việc tiêu thụ gặp khó khăn do chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được ngành chức năng hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị và quảng bá, sản phẩm đậu dầm Nga Sơn Tofu tiêu thụ ngày càng tăng.
“Hiện công ty đang nỗ lực thực hiện các giải pháp mở rộng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, chuẩn hóa nhãn mác, bao bì, chứng nhận mã vạch, mã số, sở hữu trí tuệ… để được đánh giá, nâng hạng sản phẩm lên OCOP 4 sao”, ông Khoa cho biết.
Nâng tầm, đưa sản phẩm vươn xa
Cùng với những thành công, Chương trình OCOP vẫn đối mặt với một số thách thức trong việc đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường, cải thiện quy trình sản xuất… Vì vậy, để đưa thương hiệu OCOP Phú Yên vươn xa hơn nữa, tỉnh đang tích cực hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và huy động nguồn lực đầu tư, với mục tiêu tạo ra các sản phẩm OCOP có giá trị kinh tế cao và bền vững.
Theo bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm trong và ngoài tỉnh tuy có triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Vì thế, nhiều sản phẩm OCOP chưa thể thâm nhập sâu vào thị trường, trong khi nhu cầu của người dân và du khách là rất lớn.
“Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thông qua kết nối thị trường để giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. Cùng với đó, địa phương cần quan tâm, chú trọng để đa dạng hóa các hình thức thương mại, đặc biệt là năng lực tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại sản phẩm OCOP trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… nhằm góp phần tạo sức lan tỏa, nâng cao hình ảnh sản phẩm và thương hiệu OCOP trên thị trường”, bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa cho hay: Xác định phát triển thương hiệu cũng là một chiến lược then chốt giúp các sản phẩm OCOP của địa phương tiến xa hơn, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nhiệp, HTX, hộ kinh doanh OCOP thay đổi máy móc thiết bị sản xuất, xây dựng nhà xưởng, xây dựng nhãn hiệu, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, xử lý môi trường. Đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển các sản phẩm khởi nghiệp, thúc đẩy đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại và trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm OCOP 4 sao; 70% làng nghề có sản phẩm OCOP; 90% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại và được hỗ trợ nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm…
“Để làm được điều này, tỉnh sẽ tổ chức tập huấn hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream để quảng bá hình ảnh sản phẩm. Thông qua đó tạo dựng lòng tin của khách hàng đối với sản phẩm thế mạnh của địa phương, chấp cánh cho sản phẩm OCOP có điều kiện vươn xa”, bà Đặng Thị Thủy nhấn mạnh.
Năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm ít nhất 50 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 2 sản phẩm OCOP 4 sao; 70% làng nghề có sản phẩm OCOP; 90% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại.