Thúc đẩy kinh tế số các ngành, lĩnh vực

Trong phát triển kinh tế số năm 2025, tỉnh đề ra các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) tất cả các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là các doanh nghiệp (DN), tạo động lực tăng trưởng mới dựa trên dữ liệu, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quản trị hoạt động của các DN, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Đồng thời thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số...

Tổ công nghệ số cộng đồng và thanh niên chuyển đổi số xã An Phú Thuận (huyện Châu Thành) tuyên truyền về công trình “Tuyến đường chuyển đổi số”

Tổ công nghệ số cộng đồng và thanh niên chuyển đổi số xã An Phú Thuận (huyện Châu Thành) tuyên truyền về công trình “Tuyến đường chuyển đổi số”

Tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế số nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 1437/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025.

Trong năm nay, tỉnh phấn đấu đạt các chỉ tiêu: tỷ trọng kinh tế số đạt 10% GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử VNeID đạt 80%; dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký số điện tử cá nhân đạt 50%; DN công nghệ số/1.000 dân đạt trên 0,7.

Theo đó, tỉnh nghiên cứu triển khai sử dụng mô hình do Học viện Công nghệ, Bưu chính Viễn thông phát triển để áp dụng thực hiện đo lường thúc đẩy phát triển kinh tế số tại địa chỉ https://kinhteso.ptit.edu.vn/ khi được hướng dẫn áp dụng; tổ chức triển khai, hướng dẫn các tổ chức, DN, hộ kinh doanh... tự đánh giá mức độ CĐS của mình theo Bộ tiêu chí đánh giá CĐS theo ngành, lĩnh vực sau khi Trung ương ban hành, thực hiện thí điểm việc tổ chức khảo sát, đo lường, đánh giá mức độ CĐS theo Bộ tiêu chí trên địa bàn TP Cao Lãnh...

Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối tổ chức, DN, hộ kinh doanh... với hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số (trong đó, giao các Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp các DN công nghệ số tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ năng số cho tổ chức, DN và hộ kinh doanh... thực hiện lồng ghép vào các hội nghị, hội thảo chào mừng Ngày CĐS quốc gia và Ngày CĐS tỉnh Đồng Tháp (10/10) hằng năm để hỗ trợ); phát triển DN công nghệ số mạnh là lực lượng sản xuất tiên tiến để phát triển kinh tế số ICT và thúc đẩy kinh tế số ngành, lĩnh vực, nhất là triển khai vận hành tốt Không gian khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút DN công nghệ số vào làm việc, cũng như nghiên cứu, xác định các bài toán giải quyết các điểm nghẽn của các đơn vị trong quá trình thực hiện CĐS, ưu tiên đặt hàng các DN công nghệ số tại địa phương để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển DN số và tận dụng được các nguồn lực tại chỗ.

Tỉnh cũng tập trung thúc đẩy kinh tế số 5 nhóm ngành, lĩnh vực trọng tâm: thương mại điện tử, du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh, sản xuất thông minh và Logistics thông minh. Trong đó, nông nghiệp thông minh, thực hiện khảo sát, đo lường, công bố kết quả Bộ tiêu chí đo lường mức độ CĐS các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi sau khi Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành Bộ tiêu chí; kết nối các trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, hội quán... với các DN cung cấp nền tảng số và ứng dụng số nông nghiệp thông minh; hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý; xây dựng nền tảng CĐS nông nghiệp giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh; triển khai xây dựng 7 Làng thông minh, xây dựng thêm ít nhất 7 hội quán ứng dụng IoT vào sản xuất, có 20% hội quán, hợp tác xã có ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, có hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời hoàn thiện mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số và thiết bị giám sát IoT, viễn thám giúp thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu lớn của ngành (hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng, về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thủy sản, về thông tin thị trường...) thông qua nền tảng hệ sinh thái nông nghiệp số. Tỉnh phấn đấu 100% sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) có mặt trên các sàn thương mại điện tử; tư vấn hỗ trợ trên 60% DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Các cấp, các ngành rà soát, khảo sát để xác định các bài toán giải quyết các vấn đề cấp bách, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và phù hợp với khả năng ứng dụng IoT để đặt hàng các DN công nghệ số; tích hợp chữ ký số vào các dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ sự nghiệp y tế và giáo dục (miễn phí cho người dân), tích hợp chữ ký số cho các ngành dịch vụ: ngân hàng, điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, an sinh xã hội, lao động... nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra; tích hợp các kênh thanh toán (QR-Code, Mobile Money, Thẻ, Ví điện tử...) khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện, nước, viễn thông, bảo hiểm, an sinh xã hội... và các dịch vụ khác trong các ngành, lĩnh vực...

TN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chuyen-doi-so/thuc-day-kinh-te-so-cac-nganh-linh-vuc-131699.aspx