Thúc đẩy kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới
Kinh tế tập thể, nòng cốt là các hợp tác xã đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội. Thông qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển tại các vùng nông thôn.
Đến nay, thành phố Hà Nội có hơn 2.500 hợp tác xã, trong đó 1.483 hợp tác xã nông nghiệp, 322 hợp tác xã công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp và 328 hợp tác xã thương mại-dịch vụ. Doanh thu mỗi hợp tác xã đạt khoảng 2,5 tỷ đồng, với mức lãi bình quân 150 triệu đồng. Đến nay, các hợp tác xã toàn thành phố đã thu hút được hơn 600.000 lao động tham gia.
Để phát triển kinh tế, xã hội, hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, các hợp tác xã đã tổ chức phổ biến, hướng dẫn hoạt động vay vốn cho các thành viên hợp tác xã, thành viên tổ hợp tác trên địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý hợp tác xã tại các địa bàn các huyện, thị xã: Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Ba Vì, Chương Mỹ, Hoài Đức, Thạch Thất, Ứng Hòa, Thường Tín. Đồng thời, triển khai hoạt động quảng bá sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm và xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP của các hợp tác xã và các hộ gia đình.
Xác định chủ thể của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là người dân mà trực tiếp là nông dân các vùng nông thôn, nhiều địa phương của thành phố Hà Nội đã tập trung phát triển kinh tế nông hộ, kinh tế tập thể để nâng cao nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, giải quyết công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Với hơn 1.400 hợp tác xã nông nghiệp làm nòng cốt, các mô hình kinh tế tập thể đã ngày càng được nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho bà con nông dân tại các vùng nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Cùng với việc phát triển các hợp tác xã, việc phát triển các làng nghề truyền thống cũng được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Đây cũng là một lực lượng quan trọng trong việc tạo ra nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô. Hiện nay, theo Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hà Nội là nơi tập trung số lượng làng nghề lớn nhất trong cả nước. Toàn thành phố hiện có hơn 1.350 làng nghề và làng có nghề, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước.
Tại nhiều vùng nông thôn, các làng nghề đã tăng trưởng nhanh cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm. Đến nay, toàn thành phố có khoảng hơn 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10-20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20-50 tỷ đồng/năm và 20 làng nghề đạt doanh thu hơn 50 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn lao động, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương và kinh tế, xã hội thành phố.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 49,2% tổng số xã toàn thành phố, vượt mục tiêu đề ra. Thành phố cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025 có ít nhất 40% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó tập trung chuyển dịch cơ cấu, lấy kinh tế tập thể làm nòng cốt và nguồn lực quan trọng để phát triển.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tháng 12/2024, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức Hội nghị đối thoại với nông dân, theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với chủ đề: “Phát huy tiềm năng, lợi thế của Thủ đô hỗ trợ nông dân liên kết hợp tác, ứng dụng chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững”. Hội nghị là dịp để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh, ý kiến, kiến nghị của cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi nhất để người nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội; đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2024. Theo đó khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết.
Thành phố Hà Nội phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu cụ thể, như: tư vấn, hướng dẫn thành lập mới 100 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã, 145 Tổ hợp tác; Số hợp tác xã hoạt động loại tốt, khá chiếm từ 65-70%. Hoàn thiện và nhân rộng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả: 24 hợp tác xã với doanh thu bình quân của hợp tác xã: 2.700 triệu đồng/năm; Thu nhập bình quân của người lao động trong hợp tác xã: 60 triệu đồng/năm; Lãi bình quân của hợp tác xã 200 triệu đồng/năm.
Để đề ra nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu của kinh tế tập thể toàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025. Theo đó, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường; cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro đan xen, tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển của Thành phố.
Phát triển kinh tế tập thể phải gắn với chuỗi giá trị sản xuất, tiêu dùng; phát huy nội lực, huy động và khai thác tốt hơn nữa khả năng góp vốn, phát triển hàng hóa, dịch vụ phục vụ thành viên; hỗ trợ phát triển bền vững, nâng cao vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế. Trong đó, phải đạt 80 hợp tác xã được hỗ trợ củng cố tại xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2025 phải đặt trong Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội chung của Thành phố; phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030 và các chương trình, kế hoạch của Trung ương.