Thúc đẩy kinh tế TP HCM phát triển bền vững
Nhiều đề xuất, hiến kế tâm huyết từ các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy, tạo đột phá cho công nghiệp TP HCM phát triển theo hướng hiện đại, xanh, bền vững…
Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) năm 2024 đã chính thức khai mạc ngày 25-9 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM". Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cùng các lãnh đạo bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP HCM, đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị.
Nỗ lực tái cơ cấu công nghiệp
Ngành công nghiệp TP HCM được xác định giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp lớn vào ngân sách, tác động lan tỏa thúc đẩy sự phát triển các ngành khác. Đến năm 2030, TP HCM đặt mục tiêu trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM (HIDS), cho biết thực tế thành phố đã triển khai chuyển đổi công nghiệp khá sớm. Từ năm 2000 đã có sự dịch chuyển sản xuất công nghiệp, di dời các KCN ô nhiễm và sử dụng nhiều lao động. Nhiều doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ 4.0, sản xuất thông minh, có khu công nghệ cao. Đến năm 2023, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành phố có tỉ lệ công nghiệp kinh tế số đóng góp gần 15% trong GDP, giá trị sản xuất của Khu Công nghệ cao tích lũy đạt 150 tỉ USD. TP HCM cũng thuộc tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
Dù TP HCM nỗ lực trong tái cơ cấu ngành nhưng sự phát triển thiếu bền vững và chưa có chiều sâu. DN đông nhưng năng lực cạnh tranh còn khiêm tốn; thiếu DN đầu đàn. Các ngành phát triển theo chiều rộng dựa trên lao động là chủ yếu đã tới hạn… Trước những hạn chế và thách thức này, TP HCM đã triển khai nhiều chính sách chuyển đổi kép theo hướng chuyển đổi công nghiệp trên nền tảng xanh - số. Trong đó, phát triển kinh tế xanh tập trung vào 4 trụ cột là đầu tư phi carbon, mua bán tín chỉ carbon và dịch vụ liên quan, tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đối với phát triển kinh tế số, lãnh đạo HIDS cho biết thời gian tới thành phố sẽ xây dựng các nền tảng tích hợp hiệu quả chính quyền số và đô thị thông minh. Ứng dụng số cải thiện năng suất và hiệu quả các ngành kinh tế trọng điểm; phát triển nền tảng kinh tế chia sẻ trong tiêu dùng và sản xuất; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ số mang tính chiến lược…
Tận dụng cơ hội định hình lại ngành sản xuất
Bà Kiva Allgood - Giám đốc Trung tâm Sản xuất tiên tiến và chuỗi cung ứng, thành viên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) - đánh giá các xu thế chủ đạo chuyển đổi công nghiệp trên thế giới chịu tác động của việc xuất hiện liên tục những công nghệ mới. Các xu hướng lớn thúc đẩy chuyển đổi công nghiệp sẽ đặt ra thách thức nhưng cũng mang lại cơ hội đáng kinh ngạc cho TP HCM và Việt Nam.
Với vị trí rất chiến lược và cơ sở sản xuất đã được thiết lập, đây là thời điểm để TP HCM nói riêng và Việt Nam tiếp tục phát triển, tiên phong trong lĩnh vực sản xuất. Cùng với sự thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR), có thể nắm bắt thời điểm này và định hình tương lai của ngành sản xuất.
TS Chad Bown, Kinh tế trưởng - Bộ Ngoại giao Mỹ, cho rằng quá trình chuyển đổi công nghiệp đang diễn ra trên toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng và Việt Nam đang có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ bán dẫn.
Thực tế, ngành bán dẫn đã đan xen trong cuộc sống hằng ngày từ những con chip sử dụng trong ô tô, máy tính, tủ lạnh hay trong hệ sinh thái kinh tế… Đây là lý do vì sao Mỹ đã thông qua Đạo luật Chips và khoa học, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. "Năm 2023, Mỹ đã cấp thị thực cho khoảng 20.000 sinh viên Việt Nam du học, tập trung vào các ngành STEM, kỹ thuật, toán học, công nghệ và kinh doanh. Điều này là một trong những cách để cùng làm việc trong quá trình chuyển đổi; cùng nhau tìm kiếm những cách thức hợp tác" - TS Chad Bown nói.
Ông Bùi Đào Thái Trường, Tổng Giám đốc Roland Berger Việt Nam, cũng nhận định tiềm năng ngành bán dẫn tại TP HCM rất lớn với vai trò trung tâm sản xuất điện tử. Để xây dựng nền tảng cho hệ sinh thái vi mạch bán dẫn, thành phố cần phát triển đồng bộ 4 yếu tố - gồm tổ hợp sản xuất, năng lực nghiên cứu và phát triển, hạ tầng và hậu cần, nguồn nhân lực chất lượng cao. "TP HCM sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác nghiên cứu và phát triển (R&D) giữa các công ty chủ chốt trong các cụm ngành ưu tiên và tổ chức giáo dục hàng đầu. Mô hình này sẽ giúp thành phố liên kết chặt chẽ hơn với các địa phương khác trong vùng, giúp hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo, vùng sản xuất công nghiệp hiện tại mới" - ông Thái Trường đề xuất.
Tại các phiên thảo luận xung quanh chủ đề những ưu tiên trong chiến lược chuyển đổi công nghiệp và vai trò của DN, các bên liên quan để quá trình chuyển đổi thành công, nhiều ý kiến đề xuất TP HCM cần chiến lược chuyển đổi với cơ chế, chính sách linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn.
Tiếp vốn tín dụng để tăng tốc chuyển đổi
Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank), cho biết trong quá trình chuyển đổi công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, bền vững, vốn tín dụng là một công cụ thúc đẩy quá trình này mạnh mẽ, đúng mục tiêu hơn theo yêu cầu của Chính phủ và TP HCM.
"Để quá trình chuyển đổi xanh nhanh hơn, khung pháp lý chuyển đổi xanh cần được ban hành chính thống để DN hiểu thế nào là xanh và bền vững. Họ đáp ứng được thì sẽ được ưu đãi về chính sách, lãi suất, thuế cũng như được người tiêu dùng lựa chọn" - ông Võ Hoàng Hải nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thuc-day-kinh-te-tp-hcm-phat-trien-ben-vung-196240925210552658.htm