Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử

Thương mại điện tử mở lối tiêu thụ đặc sản, kết nối vùng Trung du và miền núi phía Bắc với thị trường số, thúc đẩy chuyển đổi số và liên kết vùng bền vững.

Động lực mới cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 24/5/2025, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khai mạc chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc”.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, cùng các sở ngành, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp logistics, tổ chức đào tạo và các chuyên gia công nghệ. Ngoài ra, sự kiện còn thu hút hơn 100 hợp tác xã, hộ kinh doanh và đơn vị sản xuất tiêu biểu từ khu vực, cùng hơn 300 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và tổ chức xúc tiến thương mại.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Thương mại điện tử chính là một trong những trụ cột then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như vùng Trung du và Miền núi phía Bắc”.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng vào tiêu dùng nội địa, đổi mới mô hình kinh doanh, kết nối sản xuất với thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa các vùng, miền hiện vẫn còn lớn. Trong khi các đô thị lớn đã hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử khá toàn diện, thì tại nhiều tỉnh miền núi và trung du, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn hạn chế do điều kiện hạ tầng, nhân lực và tập quán kinh doanh truyền thống.

Lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Lễ khai mạc hội nghị. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Để thu hẹp khoảng cách số và phát huy lợi thế đặc thù của từng vùng miền, việc thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử trở thành một chủ trương lớn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số của Chính phủ. Thương mại điện tử không chỉ là kênh tiêu thụ hiệu quả, mà còn là động lực để đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường một cách bền vững.

“Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất cả nước, với hệ sinh thái văn hóa - sinh thái đa dạng, nguồn tài nguyên đặc hữu như chè Shan tuyết, gạo Séng Cù, mật ong bạc hà, các loại dược liệu quý, sản phẩm thổ cẩm, thủ công truyền thống... Đây là vùng đất mang đậm bản sắc văn hóa, có cộng đồng dân tộc phong phú và tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Với tiềm năng phong phú như vậy, để tối ưu hóa những lợi thế này, chúng ta cần một “sợi dây liên kết” mạnh mẽ giữa các vùng miền. Thương mại điện tử chính là “sợi dây” đó”, Cục trưởng Lê Hoàng Oanh khẳng định.

Hướng tới hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững

Với mục tiêu giải quyết những thách thức đang hiện hữu, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng thương mại điện tử tiêu biểu như Shopee, TikTok Việt Nam, cùng đại diện Sở Công Thương của các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc (Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái, Điện Biên).

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lai Châu, các Sở Công Thương, các doanh nghiệp thương mại điện tử và Đại học Luật Hà Nội đã cùng chứng kiến khoảnh khắc ký kết quan trọng này. Đây là bước khởi đầu để thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, hướng tới triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng số, phát triển hạ tầng thương mại điện tử, và thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số.

Lễ ký kết là biểu tượng của sự cam kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra môi trường kinh doanh thương mại điện tử mạnh mẽ, cạnh tranh, qua đó mở rộng cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp trong vùng.

Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, dù giàu tiềm năng, vẫn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận thị trường lớn. Hạ tầng logistics hạn chế, kỹ năng số chưa đồng đều, thiếu liên kết vùng là những thách thức hiện hữu. Thương mại điện tử chính là công cụ giúp kết nối sản xuất - tiêu dùng - công nghệ - logistics, tạo ra mạng lưới liên kết xuyên suốt toàn vùng.

Trong hai ngày 24 - 25/5/2025, chuỗi sự kiện đã diễn ra với quy mô lớn, nhiều nội dung phong phú: Hội nghị cấp vùng về phát triển thương mại điện tử và liên kết vùng, triển lãm sản phẩm đặc trưng và công nghệ số với hơn 50 gian hàng, hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số, tập huấn thương mại điện tử cho hợp tác xã và thanh niên khởi nghiệp, và đặc biệt là phiên livestream trực tiếp quảng bá sản phẩm vùng cao trên nền tảng số.

 Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lai Châu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và đại diện một số doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Lai Châu, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và đại diện một số doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Bốn nhóm giải pháp chiến lược đã được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đề xuất: Hoàn thiện cơ chế chính sách, ứng dụng công nghệ số phục vụ sản xuất và bảo vệ thương hiệu địa phương, phát triển hạ tầng logistics, và nâng cao năng lực số tại chỗ. Đây được xem là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mô hình “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, tỉnh đã có 222 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đồng thời khẳng định tiềm năng du lịch và nông nghiệp là hai mũi nhọn phát triển. Dù còn gặp nhiều thách thức, tỉnh đang nỗ lực khắc phục cùng sự đồng hành của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp lớn như Viettel Post, VNPost, TikTok Việt Nam.

Tuy nhiên, Lai Châu vẫn đối mặt với thách thức về hạ tầng số, nguồn nhân lực và thói quen kinh doanh truyền thống.

Sự kiện lần này là cơ hội để quảng bá sản phẩm nông sản, OCOP và văn hóa Lai Châu qua các nền tảng số uy tín.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lai Châu khẳng định, việc đăng cai tổ chức chuỗi sự kiện không chỉ thể hiện vai trò tiên phong của địa phương trong quá trình chuyển đổi số mà còn là cam kết của tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân địa phương ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, từ đó từng bước hội nhập vào nền kinh tế số quốc gia.

Chuỗi sự kiện “Thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử - Nâng tầm sản phẩm vùng Trung du và miền núi phía Bắc” là hành động cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế số gắn với liên kết vùng và xây dựng nông thôn mới.

Sự kiện không chỉ là điểm khởi đầu cho các mô hình hợp tác thương mại điện tử vùng cao, mà còn tạo động lực lan tỏa nhận thức và hành động, góp phần xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho khu vực và cả nước.

Điểm nhấn đáng chú ý trong sự kiện là hoạt động triển lãm các mô hình công nghệ số và sản phẩm đặc trưng vùng miền với 50 gian hàng. Triển lãm này không chỉ trưng bày các sản phẩm đặc sản vùng cao, mà còn giới thiệu nhiều giải pháp công nghệ số tiên tiến trong thương mại điện tử, phù hợp với điều kiện đặc thù của các tỉnh miền núi.

Lê Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-lien-ket-vung-trong-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-389133.html