Thúc đẩy môi trường trực tuyến an toàn hơn

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của Liên minh châu Âu vừa chính thức có hiệu lực, ghi dấu bước ngoặt quan trọng cho môi trường trực tuyến. Bắt đầu từ ngày 25.8.2023, những tên tuổi công nghệ đình đám như Google, Facebook, Amazon… phải chấp hành các quy định pháp lý liên quan đến nội dung được đăng trên nền tảng của họ. Mặc dù luật mới này được ban hành ở EU, song tác động của nó sẽ vượt ra khỏi biên giới khi các công ty phải điều chỉnh chính sách để tuân thủ.

Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số là gì?

Mục tiêu bao trùm của DSA là thúc đẩy môi trường trực tuyến an toàn hơn. Đạo luật này yêu cầu các nền tảng trực tuyến phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xóa các bài đăng chứa thông tin hàng hóa, dịch vụ hoặc nội dung bất hợp pháp, đồng thời cung cấp cơ chế cho người dùng để báo cáo loại nội dung này.

Nguồn: DW

Nguồn: DW

Thêm vào đó, DSA cấm quảng cáo định hướng theo khuynh hướng tình dục, tôn giáo, sắc tộc hoặc quan điểm chính trị của cá nhân, và đặt ra các hạn chế về việc nhắm mục tiêu quảng cáo đến trẻ em. Nó cũng yêu cầu các nền tảng trực tuyến cung cấp sự minh bạch hơn về cách thức hoạt động của thuật toán.

Điểm đột phá của DSA là việc áp dụng các quy tắc bổ sung cho các “nền tảng trực tuyến rất lớn” theo quan điểm của luật, buộc họ phải cấp cho người dùng quyền từ chối tham gia vào các hệ thống đề xuất và việc lập hồ sơ, chia sẻ dữ liệu quan trọng với các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng, hợp tác với các yêu cầu ứng phó với khủng hoảng và thực hiện kiểm toán bên ngoài và độc lập.

Nghị viện châu Âu đã thông qua DSA vào tháng 7.2022. Mặc dù EU chưa yêu cầu các công ty nhỏ hơn phải tuân thủ luật, nhưng họ đã yêu cầu các nền tảng trực tuyến rất lớn phải tuân thủ 4 tháng sau khi được đưa vào danh sách, vốn đã diễn ra vào tháng 4.2023.

Những nền tảng trực tuyến nào bị ảnh hưởng?

EU coi các nền tảng trực tuyến rất lớn (hoặc các công cụ tìm kiếm trực tuyến rất lớn) là những nền tảng có hơn 45 triệu người dùng hàng tháng ở EU. Cho đến nay, EU đã lên danh sách 19 nền tảng và công cụ tìm kiếm thuộc danh mục đó, bao gồm: AliExpress của Alibaba, Cửa hàng Amazon, Cửa hàng ứng dụng Apple, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Shopping, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, TikTok, Twitter (nay là X), Wikipedia, YouTube, Zalando, Bing, Google Search.

EU sẽ yêu cầu mỗi nền tảng này cập nhật số lượng người dùng của họ ít nhất 6 tháng một lần. Nếu nền tảng có ít hơn 45 triệu người dùng hàng tháng trong cả năm, họ sẽ bị gỡ khỏi danh sách. Một số nhà phê bình chỉ ra rằng, một số nền tảng cũng hiển thị nội dung có hại, bao gồm Netflix, AirBnB và PornHub, không có trong danh sách. Tuy nhiên, các nền tảng này có thể được thêm vào trong tương lai để bảo vệ tốt hơn cho trẻ em và cả người lớn.

Các quan chức EU cho biết, các nền tảng trực tuyến không đáp ứng các yêu cầu của DSA có thể bị phạt nặng hoặc thậm chí bị cấm. Theo Ủy ban châu Âu, quy định này bao gồm một khuôn khổ theo chiều ngang để giám sát quy định, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của không gian trực tuyến nhằm ứng phó với các rủi ro mới nổi.

Các nền tảng trực tuyến đang làm gì để tuân thủ?

Nhiều công ty trong số này đã vạch ra những cách thức cụ thể giúp họ tuân thủ DSA. Đầu tiên phải kể đến là ông lớn Google. Mặc dù Google cho biết họ đã tuân thủ một số chính sách mà DSA đưa ra, bao gồm khả năng cho phép người sáng tạo trên YouTube khiếu nại việc xóa và hạn chế video, nhưng Google cũng thông báo rằng họ đang mở rộng Trung tâm minh bạch quảng cáo để đáp ứng các yêu cầu do luật nêu ra. Công ty cũng cam kết mở rộng quyền truy cập dữ liệu cho các nhà nghiên cứu để cung cấp thêm thông tin về “cách Google Search, YouTube, Google Maps, Google Play và Google Shopping hoạt động trong thực tế”. Google còn cam kết cải thiện tính minh bạch trong báo cáo và phân tích “rủi ro tiềm ẩn của việc phổ biến nội dung bất hợp pháp hoặc rủi ro đối với các quyền cơ bản, sức khỏe cộng đồng hoặc diễn đàn dân cư”.

Trong khi đó, Meta, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đang nỗ lực mở rộng Thư viện quảng cáo, hiện đang tổng hợp các quảng cáo hiển thị trên nền tảng của mình. Công ty sẽ sớm bắt đầu hiển thị và lưu trữ tất cả các quảng cáo nhắm mục tiêu đến người dùng ở EU, đồng thời bao gồm các thông số được sử dụng để nhắm mục tiêu quảng cáo, cũng như ai được xem quảng cáo. Tháng 6, Meta phát hành báo cáo dài về cách thuật toán của họ hoạt động trên Facebook và Instagram như một phần trong nỗ lực hướng tới sự minh bạch. Công ty cũng sẽ bắt đầu cho phép người dùng châu Âu xem nội dung theo thứ tự thời gian trên Reels, Stories và Search trên cả Facebook và Instagram - mà không phải tuân theo công cụ cá nhân hóa của nó.

Tương tự như các biện pháp mà Meta đang triển khai, TikTok thông báo rằng họ đang thực hiện thuật toán tùy chọn đối với người dùng ở EU. Khi thuật toán bị tắt, người dùng sẽ thấy video từ “cả nơi họ sống và trên toàn thế giới” trong nguồn cấp dữ liệu For You (Dành cho bạn) và Live feeds của họ thay vì video dựa trên sở thích cá nhân. TikTok sẽ cho phép người dùng xem nội dung theo thứ tự thời gian trên nguồn cấp dữ liệu Following (Theo dõi) và Friends (Bạn bè) của họ. Ngoài ra, TikTok còn thực hiện một số thay đổi đối với chính sách quảng cáo của mình. Đối với người dùng châu Âu từ 13 - 17 tuổi, TikTok sẽ ngừng hiển thị quảng cáo được cá nhân hóa dựa trên hoạt động của họ trong ứng dụng.

Snapchat cũng cung cấp cho người dùng ở EU tùy chọn từ chối các nguồn cấp dữ liệu được cá nhân hóa trên các trang Discover (Khám phá) và Spotlight (Tiêu điểm), đồng thời công bố các báo cáo về cách xếp hạng các bài đăng trên các nguồn cấp dữ liệu này. Công ty cam kết cung cấp cho người dùng thêm thông tin về lý do bài đăng hoặc tài khoản của họ bị xóa, cũng như cung cấp cho họ công cụ cần thiết để kháng cáo quyết định. Ngoài ra, Snapchat sẽ không còn phát quảng cáo được cá nhân hóa cho người dùng Snapchat ở châu Âu từ 13 đến 17 tuổi nữa.

Hướng tới mạng internet an toàn hơn cho mọi người

Theo giới chức châu Âu, Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số mang tính đột phá của EU tìm cách bảo đảm rằng lĩnh vực kỹ thuật số nói chung được an toàn hơn, và bảo vệ các quyền cơ bản của người sử dụng nền tảng trực tuyến.

“Vì mạng Internet an toàn hơn cho mọi người”, Ủy viên Thị trường nội bộ châu Âu Thierry Breton hứa hẹn trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X (trước đây gọi là Twitter). Ông nói thêm: “Những nền tảng hệ thống này đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta - vì vậy đã đến lúc EU phải đặt ra các quy tắc của riêng mình”.

Còn theo ông Andrea Renda, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách châu Âu (CEPS) có trụ sở tại Brussels, nói với DW rằng DSA là “luật mang tính bước ngoặt”. “Đây là thời khắc quan trọng trong lịch sử internet bởi vì, lần đầu tiên, nguyên tắc cứng về khái niệm không phải chịu trách nhiệm đối với các bên trung gian trực tuyến, vốn là một trong những nguyên tắc quan trọng kể từ giai đoạn đầu của World Wide Web, đang bị đảo ngược”, ông nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ca ngợi DSA là “đưa các giá trị châu Âu của chúng ta vào thế giới kỹ thuật số”.

Theo ông Renda, thế giới sẽ quan tâm theo dõi cách các giá trị trực tuyến này diễn ra. “Ở Mỹ, họ coi DSA là ví dụ điển hình về việc EU đôi khi có thể điều tiết tốt hơn nhiều so với Mỹ. Brazil và Nhật Bản cũng rất quan tâm đến nó. Nhật Bản thậm chí có thể học tập như họ đã từng làm. Vương quốc Anh đã thực hiện cách tiếp cận tương tự bằng cách đặt nhiều trách nhiệm hơn cho các bên trung gian trực tuyến”, ông nói.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/thuc-day-moi-truong-truc-tuyen-an-toan-hon-i341324/