Thúc đẩy, nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Chiều nay 5/6, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về thúc đẩy, nâng cao chất lượng cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVC TT). Tham dự tại điểm cầu Đồng Tháp có ông Đoàn Thanh Bình - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu được đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu về bộ tiêu chí đánh giá Cổng DVC; kết quả đánh giá Cổng DVC các bộ, ngành, địa phương lần 1; trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; xác định nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng cung cấp, sử dụng DVC TT.
Đến nay, cả nước mới chỉ có hơn 43% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch hành động cụ thể để triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp DVC TT; hơn 92% bộ, ngành, địa phương hoàn thành triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống một cửa điện tử.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, cần phải thay đổi cách làm DVC TT, đầu tiên là cách thức tiếp cận, nâng cao chất lượng DVC, mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% hồ sơ thực hiện DVC TT. Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cấp phần mềm thực hiện DVC TT; khẩn trương rà soát lại các TTHC, DVC TT, ưu tiên 25 DVC thiết yếu, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tái cấu trúc lại quy trình thực hiện, lược bỏ các bước trung gian không cần thiết, sau đó sẽ đơn giản hóa cho các thủ tục còn lại.
Đồng thời đẩy mạnh triển khai việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích để hỗ trợ triển khai DVC TT; khẩn trương bảo đảm sẵn sàng chức năng ký số từ xa trên Cổng DVC và thúc đẩy người dân sử dụng để thực hiện DVC TT; cần cung cấp đầy đủ, đa dạng và nâng cao chất lượng các kênh tương tác, hỗ trợ người dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện việc kết nối, tăng cường giám sát, đo lường một cách hiệu quả; thường xuyên đánh giá, kiểm tra, đối soát thông tin và số liệu cho chính xác; liên hệ đầu mối của Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông mỗi khi việc kết nối gặp sự cố hoặc có vấn đề bất thường xảy ra, phấn đấu kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử vào năm 2025 để chuyển sang giai đoạn Chính phủ số.