Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm
Nhờ khai thác tốt cơ hội và tiềm năng nguồn nguyên liệu của ngành nông nghiệp, từng bước áp dụng quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến, những năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xuất khẩu còn hạn chế, đòi hỏi các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ hiện đại, áp dụng đầy đủ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Được thành lập năm 2021, nhờ đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, luôn bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018 trong quy trình sản xuất, đến nay, Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) với các sản phẩm sữa tươi thanh trùng, sữa chua mang thương hiệu "Sữa Vĩnh Tường" chế biến từ sữa bò đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tỉnh.
Năm 2024, nhiều sản phẩm chế biến từ sữa bò của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được vinh danh là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Đến nay, đã có gần 40 trường học trên địa bàn các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc đang sử dụng các sản phẩm sữa của công ty trong các bữa ăn cho học sinh.
Cùng với Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống. Từ năm 2015, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn và tạo ảnh hưởng tích cực, lan tỏa đến các dự án đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Quy trình chế biến thịt bò với công nghệ hiện đại tại nhà máy Vinabeef Tam Đảo mở ra triển vọng cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh và khu vực. Ảnh: Đức Chung
Thực tế, nhờ khai thác tốt cơ hội và tiềm năng nguồn nguyên liệu của ngành nông nghiệp và từng bước áp dụng các quy trình sản xuất, chế biến tiên tiến nên trong 5 năm gần đây, số doanh nghiệp và lao động của ngành chế biến thực phẩm của tỉnh đã có xu hướng tăng khá nhanh; ngành có bước tăng trưởng khá cao, đạt 14%/năm.
Một số sản phẩm chủ lực đóng góp trong giá trị công nghiệp ngành chế biến thực phẩm, đồ uống của tỉnh như sản phẩm chè; dầu thực vật; sữa, bột sữa từ gạo… và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp (rượu, xúc xích, sữa chua, bánh sữa…).
Đến nay, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 78 doanh nghiệp và hợp tác xã đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm với gần 5.000 lao động. Đặc biệt, hướng tới phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm theo chiều sâu với nhiều sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, có giá trị cao, tỉnh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn tham gia đầu tư trên địa bàn.
Trong đó, phải kể đến Tổ hợp Trang trại và Nhà máy chế biến thịt bò Tam Đảo liên doanh hợp tác giữa Vilico (công ty con của Vinamilk) và Tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản có tổng mức đầu tư là 1.670 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng từ năm 2023, diện tích 75,6 ha tại huyện Tam Đảo với dây chuyền giết mổ, chế biến tự động, hệ thống băng chuyền và đóng gói thông minh, giúp giữ nguyên nhiệt độ và độ tươi ngon của thịt, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường lớn như Nhật Bản, châu Âu.
Đi vào hoạt động toàn bộ các hạng mục từ tháng 5/2025, dự án được kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà thậm chí hướng tới xuất khẩu thịt bò “Made in Vietnam” chất lượng cao đến nhiều quốc gia trên thế giới, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh phát triển lên tầm cao mới.
Mặc dù vậy, phần lớn doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm của tỉnh có quy mô nhỏ; số doanh nghiệp tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít; ít doanh nghiệp có sản phẩm tham gia xuất khẩu do chưa đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật, chất lượng sản phẩm... dẫn tới giá trị sản phẩm còn thấp, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế...
Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống của tỉnh trong thời gian tới gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tạo nền tảng cho công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở gắn kết chặt chẽ về lợi ích giữa công nghiệp chế biến và người sản xuất nguyên liệu, tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đổi mới công nghệ và thiết bị;
Tạo điều kiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp lớn trong vùng và cả nước; thu hút đầu tư, phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn trên địa bàn, phát triển một số sản phẩm trong ngành công nghiệp chế biến, có lợi thế nguồn nguyên liệu tại địa phương, có thị trường tiêu thụ và xuất khẩu như sản phẩm chè (chè đen, chè xanh, chè túi lọc, ướp hương); các sản phẩm dinh dưỡng dạng bột; thức ăn, bánh chế biến sẵn…