Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ dân tộc thiểu số
Phát triển kinh doanh có thể tạo ra hiệu ứng 'kép', giúp phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng nâng cao năng lực kinh tế và tiến tới bình đẳng giới trong gia đình.
Tại Hội thảo tham vấn nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp dân tộc thiểu số, chị Bùi Thị Lợi, dân tộc Mường ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình khiến các đại biểu đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác trước câu chuyện khởi nghiệp của mình.
Chị Lợi sinh ra trong một gia đình có 8 anh, chị, em nhưng chỉ có một người được học hành để trở thành cô giáo mầm non. 7 người còn lại, trong đó có chị Lợi đều chỉ học hết lớp 9.
Lấy chồng sớm, chị Lợi may mắn được gia đình tạo điều kiện cho học hết cấp III và tham gia hoạt động Hội Phụ nữ ở địa phương.
Là cán bộ phụ nữ xã, năm 2017, chị Lợi được tiếp cận với Đề án Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2025. Chị nghĩ, đây là cơ hội hiếm có để đổi đời nhưng bản thân mình phải thành công thì mới làm gương cho các chị em khác trong Hội noi theo.
Ở xã Chí Đạo nói riêng, vùng dân tộc thiểu số nói chung, chuyện phụ nữ đứng lên làm kinh tế thường không nhận được sự ủng hộ của gia đình và xã hội, bởi định kiến giới luôn cho rằng, đó là công việc của đàn ông. Đàn bà chỉ nên quanh quẩn bếp núc, con cái, ruộng vườn…
Gia đình chị Lợi cũng không phải là ngoại lệ. Chồng chị kịch liệt phản đối chị đứng ra kinh doanh và tuyên bố không có trách nhiệm gì với các khoản nợ nếu chị làm ăn thua lỗ.
Khát vọng vươn lên làm chủ giúp chị Lợi có dũng khí đối mặt với khó khăn. Chị tự “cắm sổ” lương vay vốn ngân hàng. Càng ngỡ ngàng hơn khi được biết chị thuyết phục thành công bố chồng cho mượn sổ đỏ để thế chấp vay vốn.
Có trong tay hơn 500 triệu đồng, cộng với tiền vay anh em, bạn bè, chị Lợi mở hai sân bóng đá mini có tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng và một quán bia hơi phục vụ tại chỗ.
Sau 2 năm, chị Lợi thu lại toàn bộ vốn đầu tư. “Mừng nhất là khởi sự không vỡ nợ” - người phụ nữ dân tộc Mường vui mừng chia sẻ.
Đang làm ăn tốt, bỗng dịch COVID-19 ập đến, sân bóng phải đóng cửa. Không có nguồn thu, chị Lợi xoay ra trồng cây dổi lấy hạt làm gia vị. Chị rủ 10 chị em khác cùng làm công việc ươm, ghép cây giống và làm muối gia vị.
Chẳng được ai hướng dẫn kỹ thuật, những người phụ nữ Mường tự mày mò tìm cách ươm, ghép cây dổi giống và họ đã thành công. Dổi ghép bán với giá 60 - 70 nghìn đồng/cây, dổi ươm 10.000 đồng/cây. Riêng muối gia vị, đến nay, các chị đã có những đơn hàng đặt hàng trăm, hàng nghìn lọ.
Công việc phát đạt là động lực để các chị bắt tay nhau lập một hợp tác xã có cái tên rất dài: Hợp tác xã Nông nghiệp và cây dược liệu, chiết xuất tinh dầu và các sản phẩm từ cây dược liệu và cây công nghiệp.
Phải dài thế mới khái quát đủ các ngành nghề mà Hợp tác xã đang thực hiện, chị Lợi giải thích.
“Phụ nữ dân tộc thiểu số hãy bước qua định kiến giới, bước qua tự ti, mạnh dạn kinh doanh để cuộc sống gia đình và bản thân ngày càng cải thiện” - lời khuyên của bà Nguyễn Thị Bình sau khi nghe câu chuyện của chị Lợi và qua quá trình phát triển sự nghiệp của bản thân.
Năm nay đã 70 tuổi, bà Bình đang tiếp tục làm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bản Dao Thống nhất ở thành phố Hòa Bình. Hợp tác xã có 86 thành viên, 100% là người dân tộc thiểu số, cùng 15 lao động thời vụ ở địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Ngành nghề hoạt động chính là trồng cam, bưởi và chế biến tinh dầu sả, chanh, quế từ vùng nguyên liệu tại chỗ.
18 năm làm lãnh đạo Hợp tác xã, bà Bình cho biết, bản thân đã giành được nhiều thành tích đáng nể: danh hiệu Phụ nữ khởi nghiệp thành công năm 2019, 2020; doanh nhân tiêu biểu tỉnh Hòa Bình năm 2019, một trong 10 cá nhân phụ nữ tiêu biểu toàn quốc đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” năm 2022…
Theo bà Bình, phụ nữ dân tộc thiểu số thông minh, cần cù, chịu khó, lại có thế mạnh là sản xuất gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo nên sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, có khả năng mang lại giá trị cao.
Tuy nhiên, nhược điểm của phần đông chị em là chỉ biết sản xuất, chưa biết maketting, trang trí mẫu mã nên giảm giá trị sản phẩm - bà Hoàng Việt Hà, dân tộc Nùng, chủ hộ kinh doanh Hoa đất Mường ở thành phố Hòa Bình nhận xét.
Tại cửa hàng của bà Hà hiện có khoảng 100 mặt hàng lưu niệm hoặc quà tặng có nguồn gốc tại địa phương, trong đó khoảng 40% do chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất ra.
Một nghiên cứu của Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc - tổ chức trực thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hòa Bình tại 10 tỉnh, chủ yếu ở miền núi phía Bắc đã chỉ ra một số đặc điểm của nhóm doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ như sau:
Về loại hình doanh nghiệp, hầu hết là hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh. Trình độ học vấn của chủ doanh nghiệp chủ yếu là trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở. Giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp cơ bản từ 1 - 2 tỷ đồng hoặc dưới 1 tỷ đồng nên tổng thu nhập không cao, chủ yếu là từ 1- 2 tỷ đồng và 2 - 10 tỷ đồng/năm.
Những yếu tố trên khiến năng lực quản lý, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ chưa cao. Bên cạnh đó, quan niệm truyền thống cho rằng phụ nữ nên tập trung vào việc chăm sóc nhà cửa, con cái thay vì tạo dựng kinh tế cho gia đình là rào cản lớn khiến phụ nữ dân tộc thiểu số không dám khởi sự kinh doanh do lo sợ thất bại sẽ không nhận được sự cảm thông, chia sẻ của gia đình và những người xung quanh - bà Đinh Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Hợp tác phát triển Tây Bắc cho biết thêm.
Do vậy, 80% chị em gặp khó khăn khi yêu cầu nhận được sự hỗ trợ từ gia đình cho các quyết định khởi nghiệp của họ. 62,5% người dám mạnh dạn kinh doanh là bởi do vốn tự có.
Những yếu tố khác như: phải thế chấp tài sản và chứng minh thu nhập trong quá trình tiếp cận vốn vay ngân hàng lúc mới khởi nghiệp; chịu lãi suất cao trong giai đoạn thử nghiệm thị trường để tìm ra sản phẩm phù hợp; những hạn chế trong hiểu biết về thủ tục đăng ký kinh doanh, thuế, ứng dụng công nghệ thông tin… là những thách thức lớn khi các chị khởi sự kinh doanh, dẫn đến 80% phụ nữ dân tộc thiểu số khó đưa ra quyết định trong lĩnh vực thương mại và khi liên quan đến công nghệ thông tin là 70%.
Bà Trịnh Thị Hương - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, kinh doanh là một trong những con đường chính giúp cho chị em phụ nữ đạt được năng lực kinh tế và tiến tới bình đẳng giới. Việc này có thể tạo ra "hiệu ứng nhân đôi" cả về thu nhập, phúc lợi cho gia đình, giảm nghèo và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Do đó, tạo một hệ sinh thái kinh doanh thuận lợi cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số có thể đem lại những lợi ích to lớn cho gia đình, cộng đồng, khu vực và nền kinh tế.
Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ ở nước ta còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 0,5% - theo kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số lần thứ II công bố.
Nhằm nghiên cứu và phân tích các cơ hội phát triển kinh doanh cho phụ nữ dân tộc thiểu số, Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UN-ESCAP) đang cùng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Dự án “Thúc đẩy phát triển doanh nhân nữ: Kiến tạo hệ sinh thái kinh doanh đáp ứng giới” (CWE).
Bà Sudha Gooty - Quản lý Dự án CWE cho biết, Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2024 với mục tiêu thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thông qua 3 trụ cột chính có mối liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau, đó là: Môi trường chính sách và quản trị (Tạo ra hệ sinh thái thuận lợi cho phụ nữ); Tài chính sáng tạo (Tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính); Công nghệ thông tin và kỹ năng kinh doanh (Tăng cường sử dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông).
Từ khi triển khai đến nay ở Việt Nam, CWE đã tạo ra sự gắn kết với cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ trong đối thoại chính sách và hoạch định chính sách; Hơn 8.000 doanh nhân nữ được hưởng lợi từ Cổng thông tin một cửa, là một phần của Cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa quốc gia; Nghiên cứu tác động của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và đưa ra các khuyến nghị giúp Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-C ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa với các điều khoản dành cho doanh nhân nữ. Kết quả sơ bộ cho thấy, Nghị định đã tác động tích cực đến hơn 11 nghìn doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Ngoài ra, Dự án cũng đã thực hiện một số nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nhân nữ khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Khoảng cách và cơ hội cho doanh nhân nữ dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam.
Trở lại với câu chuyện của chị Bùi Thị Lợi ở xã Chí Đạo, huyện Lạc Sơn. Chị Lợi giờ là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Chị cho biết, mô hình kinh doanh của mình đã góp phần giải quyết khá nhiều vấn đề xã hội ở địa phương. Đó là thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao quần chúng trong nhân dân. Đám thanh niên đã có chỗ vui chơi thay vì tụ tập cờ bạc, rượu chè. Phụ nữ dân tộc thiểu số không phải ly hương để kiếm thu nhập, mà vừa có việc làm tại chỗ vừa có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái…
Chị Lợi mong muốn có cơ hội tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh để khẳng định năng lực bản thân, giúp phát triển kinh tế gia đình và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người phụ nữ dân tộc thiểu số khác.
Mong muốn này của chị Lợi và phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung rất cần được nâng đỡ, tạo điều kiện thúc đẩy để giúp họ tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đặc trưng văn hóa, tri thức bản địa độc đáo trong phát triển khởi nghiệp, kinh doanh, bởi họ là một phần quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ Việt Nam và của quốc gia - bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, đồng thời là Giám đốc dự án CWE nói./.