Thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã thích ứng với sự phát triển của công nghệ số, từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) gắn tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.

HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) gắn tem truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ thông minh vào nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap trên diện tích hơn 20 nghìn m2 mặt nước, mô hình kinh tế của gia đình ông Bùi Đức Thịnh, thôn Hoàng Quyển, xã Gia Hòa (Gia Viễn) đã phát huy hiệu quả, đạt năng suất cao, hướng tới phát triển bền vững. Hàng năm, mô hình cho thu nhập trên 3,6 tỷ đồng, trừ chi phí, ông thu lãi từ 500-600 triệu đồng. Ông Bùi Đức Thịnh trở thành một trong 100 nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Ông Bùi Đức Thịnh cho biết: Trước đây, tôi sử dụng thiết bị điện tạo oxy, máy cho cá ăn bấm bằng tay. Từ năm 2018, tôi đã áp dụng hệ thống điều khiển từ xa, khi ở bất cứ nơi đâu cũng có thể điều khiển được máy guồng oxy, máy quạt nước, máy cho cá ăn, máy bơm nước... tại 3 ao nuôi cá. Khi vận hành hệ thống điều khiển từ xa giúp tôi thuận tiện trong chăn nuôi, giảm nhân công, chủ động được thời gian chăm sóc cá. Trước đây, nuôi thủ công, mỗi năm gia đình tôi thu được 3 tấn cá, nhờ ứng dụng công nghệ thông minh, hiện tôi thu 80 tấn cá/năm. Xác định xây dựng nền kinh tế dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hiện nay nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân đã và đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên môi trường số, tạo thị trường rộng lớn, nâng cao sản lượng hàng hóa cũng như giá trị sản phẩm.

Chị Tống Thị Thủy, Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và phân phối thực phẩm An Phú, xã Kim Chính (Kim Sơn) cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng hình thức giới thiệu sản phẩm trực tiếp tại các hội chợ, hội nghị, tôi đã đưa sản phẩm Cơm cháy Cung Đình lên các nền tảng số. Trong đó, giúp tiêu thụ mạnh nhất là các trang mạng xã hội Facebook, Zalo chiếm khoảng 70%, còn lại là xúc tiến thương mại trực tiếp.

Ứng dụng chuyển đổi số trong bán hàng đã mang lại nhiều ưu điểm hơn so phương thức bán truyền thống, như: Mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm chi phí đi lại, chi phí thuê mặt bằng, thuê nhân viên bán hàng... Tuy nhiên, do không được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm nên người bán cần phải có ý thức giữ uy tín để tạo thương hiệu từ hình ảnh, số lượng, chất lượng sản phẩm phải đúng với nội dung đăng bán thì khách hàng mới quay lại với mình.

Chủ động chuyển mình, thay đổi tư duy, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin và công nghệ cao vào sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú, chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới thông minh.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Mật ong núi đá Xích Thổ, huyện Nho Quan cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Hợp tác xã đã đầu tư máy tách thủy phần, máy hạ thủy phần trong sản xuất mật ong. Máy có tác dụng chiết xuất, loại bỏ các tạp chất trong mật ong giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm. Việc đưa máy móc tiên tiến thay thế thiết bị thủ công truyền thống đã tạo ra sản phẩm mật ong thiên nhiên, chất lượng.

Song song với bán hàng truyền thống, HTX còn bán hàng trực tuyến trên TikTok, Zalo, Facebook hiệu quả. Mỗi năm, HTX bán trên 10 tấn mật, trong đó qua kênh bán trực tuyến khoảng 60-70%. Năm 2025, cùng sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, HTX đang xây dựng sản phẩm mật ong đạt tiêu chuẩn OCOP.

Đẩy mạnh chuyển đổi số đang được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội. Để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế số, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 142/ KH-UBND ngày 31/8/2021 về việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030 nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 150/KH-UBND ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh về hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2024, tổng số sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn là 1.085 sản phẩm; có 22.877 sản phẩm đã giao dịch thành công qua sàn thương mại điện tử với doanh thu phát sinh đạt 3,62 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 244 doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin); tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt khoảng 99%; doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 50%. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,7%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số (theo danh mục công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông) đạt khoảng 60%. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh năm 2023 đạt 10,54%.

Bài, ảnh: Tiến Minh

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-so-nong-nghiep-nong-thon-805470.htm