Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các làng nghề

Phát triển thương mại điện tử tại các làng nghề là xu hướng tất yếu, giúp sản phẩm làng nghề có thêm 'cánh tay' nối dài đến gần hơn với người tiêu dùng, từ đó nâng cao thu nhập, sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng là kênh quảng bá sản phẩm quan trọng, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh đẹp tại các địa phương có làng nghề.

Toàn tỉnh hiện có 29 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Các làng nghề tạo việc làm cho khoảng 55 nghìn lao động khu vực nông thôn.

Trong xu thế hội nhập kinh tế, cùng với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi số, việc thúc đẩy phát triển thương mại điện tử đã trở thành xu hướng tất yếu tại các làng nghề khu vực nông thôn.

Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử đã tạo cơ hội để các làng nghề tăng cường quảng bá sản phẩm, hình ảnh địa phương, mở rộng thị trường qua nhiều kênh bán hàng đa dạng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người dân.

Các sản phẩm rèn của gia đình ông Vũ Văn Tân, thôn Bàn Mạch, xã An Nhân (Vĩnh Tường) được giới thiệu và bày bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các sản phẩm rèn của gia đình ông Vũ Văn Tân, thôn Bàn Mạch, xã An Nhân (Vĩnh Tường) được giới thiệu và bày bán phổ biến trên các sàn thương mại điện tử giúp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Vũ Văn Tân, chủ xưởng rèn - chuyên sản xuất các loại dao dùng trong sinh hoạt, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại thôn Bàn Mạch, xã An Nhân cho biết: “Để duy trì, phát triển nghề rèn qua nhiều thế hệ, làm ra sản phẩm tốt thôi chưa đủ, việc quảng bá sản phẩm, để sản phẩm được nhiều người biết đến, có thị trường tiêu thụ vững chắc mới là thành công của người làm nghề.

Nắm bắt xu hướng thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, năm 2021, xưởng rèn của gia đình tôi bắt đầu đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử phổ biến như Shopee, Lazada… kết hợp giới thiệu sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… nhờ vậy, số lượng sản phẩm tiêu thụ của xưởng tăng nhiều lần.

Thương mại điện tử cũng là “cứu cánh” giúp xưởng rèn vượt qua khó khăn trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện nay, xưởng rèn cung cấp ra thị trường trung bình 15.000 - 20.000 sản phẩm mỗi tháng, trong đó có hơn 70% số lượng sản phẩm được tiêu thụ thông qua thương mại điện tử”.

Cũng là hộ sản xuất trong làng nghề thay đổi tư duy kinh doanh sau khi tiếp cận với thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Nam, hộ trồng hoa, cây cảnh tại thôn Tân Tiến, xã Tây Sơn (Lập Thạch) cho biết: “Với người cao tuổi, việc tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử ban đầu gặp nhiều khó khăn, song với sự giúp sức của lớp trẻ và hơn hết là nhận thức được hiệu quả mang lại từ thương mại điện tử, tôi dần thông thạo và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, buôn bán.

Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thông qua bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử, kết hợp với việc tạo điều kiện cho các bạn trẻ vào vườn cây chụp ảnh, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, gia đình tôi đã xuất bán được gần 200 cây đào, khoảng 100 cây trà, đặc biệt có một số gốc đào thế, trà cổ được khách hàng đến mua với giá hàng chục triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình”.

Xác định thương mại điện tử là lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, thực hiện Đề án phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, trong đó chú trọng mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm hàng hóa chủ lực, sản phẩm thế mạnh tại các địa phương.

Hiện nay, đã có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh được các ngành chức năng, chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ đưa lên kinh doanh tại 2 sàn thương mại điện tử là buudien.vn (postmart.vn đổi tên) và voso.vn.

Nhận thức được hiệu quả mang lại của thương mại điện tử, đã có hàng nghìn hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các làng nghề đã chủ động tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, buôn bán.

Theo đánh giá của Sở Công thương, quy mô, chất lượng giao dịch thương mại điện tử tại các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa cao, chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy mô lớn; phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ sản xuất, kinh doanh chưa có chiến lược đầu tư, khai thác các ứng dụng thương mại điện tử theo chiều sâu…

Để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, Sở Công thương tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh; tham mưu UBND tỉnh xây dựng, đưa vào hoạt động Sàn thương mại ngành công thương tỉnh nhằm hỗ trợ các sản phẩm chất lượng, chủ lực của các địa phương mở rộng kênh giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm, giúp giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, trong xu thế cạnh tranh trên thương mại điện tử ngày càng quyết liệt, các chủ thể sản xuất, kinh doanh cần chú trọng đến chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực đa dạng hóa các kênh giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thông qua thương mại điện tử, đồng thời nắm bắt xu hướng thị trường, tích cực triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng để nâng cao hiệu quả kinh doanh…

Bài, ảnh: Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123386//thuc-day-phat-trien-thuong-mai-dien-tu-tai-cac-lang-nghe