Đông Nam Á không dễ tận dụng cơ hội trong thương chiến Mỹ – Trung

Dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào Đông Nam Á nhưng việc khai thác giá trị từ dòng vốn này khó hơn mong đợi. Nhiều dự án đầu tư của nước ngoài ở khu vực này chủ yếu để né thuế, không mang lại nhiều giá trị.(KTSG Online) - Dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào Đông Nam Á nhưng việc khai thác giá trị từ dòng vốn này khó hơn mong đợi. Nhiều dự án đầu tư của nước ngoài ở khu vực này chủ yếu để né thuế, không mang lại nhiều giá trị.

Thương chiến Mỹ-Trung thúc đẩy các công ty nước ngoài đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội tái công nghiệp hóa cho các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, khu vực này khó khai thác giá trị từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng này. Ảnh: SCMP

Thương chiến Mỹ-Trung thúc đẩy các công ty nước ngoài đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc, tạo cơ hội tái công nghiệp hóa cho các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, khu vực này khó khai thác giá trị từ sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng này. Ảnh: SCMP

Dòng vốn tăng mạnh nhưng giá trị mang lại không nhiều

Thương chiến Mỹ-Trung mang lại cho các nước Đông Nam Á cơ hội đẩy mạnh công nghiệp hóa, thúc đẩy tăng trưởng khi các công ty đa quốc gia đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc.

Nhưng thực tế, có nhiều dự án đầu tư của nước ngoài ở khu vực này chủ yếu để né thuế quan hoặc tận dụng các ưu đãi chính sách khác, không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế địa phương.

Đó là nhận định của Chris Miller, giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts (Mỹ) và là tác giả của cuốn “Cuộc chiến chip” trong bài viết trên tờ Financial Times hôm 6-2.

Theo bài viết, Đông Nam Á, khu vực có mối liên kết kinh tế chặt chẽ, thường trung lập về chính trị, là không gian thí nghiệm cho những nỗ lực không chỉ nhằm giảm thiểu chi phí các xung đột thương mại mà còn tận dụng chúng.

Thương chiến Mỹ-Trung có dấu hiệu leo thang khi Bắc Kinh thông báo áp thuế trả đũa sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc tăng thuế thêm 10% đối với hàng hóa từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Một số nhà lãnh đạo Đông Nam Á nhận thấy đây là cơ hội vàng để tái công nghiệp hóa (đổi mới các ngành công nghiệp cũ). Các nước như Thái Lan và Malaysia từng được coi là những “con hổ kinh tế” đang trỗi dậy của châu Á. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thu hút quá nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), làm hao hút đáng kể nguồn vốn FDI tiềm năng vào Đông Nam Á.

Hiện tại, điều này đã thay đổi. Không chỉ các công ty phương Tây tìm kiếm cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc với mức thuế quan thấp và chi phí cạnh tranh. Các công ty Trung Quốc cũng đang tìm cách lắp ráp sản phẩm ở nước ngoài để né thuế quan và các hạn chế thương mại khác của Mỹ.

Do đó, dòng vốn đầu tư đang chảy mạnh vào Đông Nam Á. Thế nhưng, việc khai thác giá trị từ dòng vốn này được chứng minh là khó khăn hơn mong đợi. Các công ty nước ngoài rất giỏi trong việc khai thác sự cạnh tranh thu hút đầu tư của các nước Đông Nam Á để đòi hỏi trợ cấp và ưu đãi thuế.

Hơn nữa, những nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm các ưu đãi chính sách thường không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Malaysia đã được hưởng lợi từ sự bùng nổ trung tâm dữ liệu, một phần vì nước này có nguồn điện dư thừa, nhưng một phần vì Mỹ cho đến gần đây vẫn cho phép xuất khẩu không giới hạn chip AI vào nước này.

Một số trung tâm dữ liệu ở Malaysia phục vụ thị trường trong nước, nhưng một số cung cấp dịch vụ điện toán đám mây AI cho khách hàng Trung Quốc không tiếp cận được dịch vụ này tại quê nhà.

“Đã có tới 25 tỉ đô la Mỹ được đầu tư vào các trung tâm dữ liệu tại Malaysia. Nhưng có bao nhiêu giá trị được tích lũy cho các công ty địa phương?”, giáo sư Chris Miller đặt câu hỏi.

Malaysia có thể bán điện dư thừa cho các trung tâm dữ liệu và tạo ra nhiều việc làm trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, chi phí lớn nhất của một trung tâm dữ liệu là chip và máy chủ bên trong. Những thiết bị này chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài. Theo giáo sư Miller, lợi nhuận từ điện toán đám mây chủ yếu thuộc về các nhà sản xuất chip và nhà cung cấp phần mềm, chứ không hẳn là các nước sở hữu vùng đất đặt các trung tâm dữ liệu.

Khó tham gia vào chuỗi cung ứng "đóng" của Trung Quốc

Một số quan chức Đông Nam Á cũng có mối quan ngại tương tự về việc Trung Quốc mở nhà máy sản xuất tại khu vực này. Khi các công ty phương Tây mở nhà máy tại đây, họ làm như vậy vì muốn tiếp cận nguồn lao động và linh kiện giá rẻ ở địa phương. Nhưng khi các công ty Trung Quốc đến Đông Nam Á, họ không chỉ nhập khẩu hầu hết các linh kiện từ quê nhà mà còn thường xuyên đưa cả nhân công trong nước sang.

Câu hỏi đặt ra là liệu nước Đông Nam Á có thể thuyết phục các công ty Trung Quốc mua công nghệ trong nước hoặc chia sẻ công nghệ không.

Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều thập niên một phần nhờ chính sách thúc ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước. Do đó, Trung Quốc sẽ phản đối các yêu cầu chuyển giao công nghệ mà chính phủ nước ngoài áp đặt lên các công ty Trung Quốc.

Bắc Kinh đang thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với thiết bị lắp ráp điện tử và công nghệ xe điện vì lo ngại sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp này ở nước ngoài. Bắc Kinh cũng đang ngăn chặn một số nhân lực tay nghề cao ra nước ngoài làm việc để kìm quá trình “chảy máu” chuyên môn.

Tái công nghiệp hóa là một khẩu hiệu hấp dẫn tại các thủ đô trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng Trung Quốc, nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới, lại coi đây là một thách thức mang tính cạnh tranh. Các nhà sản xuất địa phương ở Đông Nam Á cũng thường xe các nhà máy mới của Trung Quốc tại nước họ là đối thủ cạnh tranh.

Các quan chức Đông Nam Á thường ca ngợi đầu tư của Trung Quốc. Tuy nhiên, nền tảng sản xuất và lắp ráp của Đông Nam Á đã phát triển theo hướng hội nhập sâu rộng với chuỗi cung ứng của phương Tây. Ví dụ, trong nhiều thập niên qua, các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản mua phụ tùng từ các nhà cung cấp ở Thái Lan, trong khi các nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip của Malaysia chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các công ty bán dẫn phương Tây.

Giáo sư Chris Miller cho rằng, nỗ lực mở rộng thị phần toàn cầu của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực ô tô hoặc chip chỉ có lợi cho nền kinh tế Đông Nam Á nếu các công ty này hội nhập vào chuỗi cung ứng của khu vực.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực phàn nàn rằng, điều này ít khi xảy ra. Các công ty xe điện hàng đầu của Trung Quốc đang chạy đua mở nhà máy ở Đông Nam Á. Thế nhưng, đây là những công ty có quy mô tích hợp theo chiều dọc cao và nguồn cung đầu vào của họ chủ yếu đến từ các công ty Trung Quốc. Các công ty vừa và nhỏ trong khu vực đã học cách bán vào chuỗi cung ứng phương Tây và nhận thấy ít cơ hội hơn để bán hàng cho các nhà sản xuất của Trung Quốc.

"Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" là câu thành ngữ thường được trích dẫn cho những nước nhỏ cảm thấy bị chèn ép bởi sự cạnh tranh của hai siêu cường Mỹ - Trung. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo về thuế quan của ông Trump và cơn bùng nổ tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cũng đang cố gắng tận dụng các cơ hội từ chiến tranh thương mại. Việc tận dụng lợi thế từ cuôc đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là một chiến lược hiển nhiên khi các công ty đa quốc gia muốn tìm kiếm những nơi trung lập để đầu tư.

“Tuy nhiên, việc khai thác giá trị từ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng khó hơn kỳ vọng của các nước Đông Nam Á”, giáo sư Chris Miller kết luận.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-nam-a-khong-de-tan-dung-co-hoi-trong-thuong-chien-my-trung/