Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo
Các quan chức đến từ hơn 70 quốc gia đang nhóm họp tại Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin lần thứ 10, được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức từ ngày 19 - 20/3, để thảo luận về cách thức hiện thực hóa các mục tiêu của Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28).
Theo Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức, Đối thoại Chuyển đổi Năng lượng Berlin lần thứ 10, với chủ đề "Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng toàn cầu", sẽ tập trung vào các chiến lược nhằm tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030, đã được thống nhất trước đó tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) hồi năm ngoái.
“Bằng cách hợp tác cùng nhau ở cấp độ quốc tế, trong đó mỗi quốc gia đóng góp sức mạnh, kinh nghiệm và kiến thức, chúng ta sẽ có thể thực hiện thành công các mục tiêu này vào năm 2030”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết.
Theo một báo cáo được Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế (IRENA) trình bày tại hội nghị nói trên, tuy công suất năng lượng tái tạo ở mức kỷ lục 473 gigawatt (GW) đã được bổ sung trên toàn cầu vào năm 2023, nhưng đến năm 2030, sẽ cần khoảng 1.000 GW hàng năm để đạt được các mục tiêu COP28.
“Dữ liệu của chúng tôi xác nhận rằng, tiến độ tiếp tục bị chậm lại và quá trình chuyển đổi năng lượng vẫn đi chệch hướng”, Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera lưu ý; đồng thời khẳng định sự cần thiết đối với sự thay đổi mang tính hệ thống về loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, nhằm đi đúng hướng và giữ mục tiêu tăng gấp 3 lần ở trong tầm tay.
Trong một báo cáo được cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) công bố vào tháng trước, lần đầu tiên trong lịch sử được ghi nhận, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã vượt ngưỡng quan trọng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong 12 tháng liên tiếp, từ tháng 2/2023 đến tháng 1/2024.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đang đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Quốc gia này đang tìm cách đạt được mục tiêu trung hòa về khí hậu vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu của EU; đồng thời tìm cách đạt được mục tiêu nâng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 80% vào năm 2030.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh, hội nghị là cơ hội để "học hỏi lẫn nhau". Trong đó, bà Annalena Baerbock cũng lưu ý, Uruguay đã sản xuất lên tới 98% điện năng từ các nguồn tái tạo, và Oman đang xây dựng các dự án năng lượng mặt trời lớn cho hàng chục nghìn hộ gia đình.
Là một nền tảng để trao đổi, hội nghị sẽ có nhiều sự kiện bên lề diễn ra trong suốt cả tuần. “Trong khi các cuộc khủng hoảng khiến chúng ta luôn cảnh giác, nhận thức về tính cấp bách của hành động vì khí hậu đã đoàn kết chúng ta trên khắp mọi biên giới”, Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh.