Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Một số ý kiến cho rằng, cần có thể chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng an toàn, hiệu quả. Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết...

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: MOJ.

Ngày 24/10, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Phát biểu tại phiên họp, đại diện Bộ Công Thương cho biết, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã tạo dựng hành lang pháp lý, tháo gỡ rào cản, cụ thể hóa các quy định về biện pháp quản lý, kỹ thuật và chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải…

Tuy nhiên, sau hơn 13 năm triển khai thi hành, đến nay, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc như cơ chế thực thi, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh; chính sách ưu đãi, khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả còn khoảng trống; chưa quy định hình thái hoạt động và giải pháp thúc đẩy thị trường dịch vụ tiết kiệm năng lượng…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26).

Với cam kết này, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Với những lý do trên, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết nhằm tăng cường khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng dân cư, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội của đất nước; chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.

Đồng thời xây dựng các cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay cho các doanh nghiệp đầu tư dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

Trao đổi tại phiên họp, về Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại diện Bộ Tài chính cho biết khoản 15 Điều 1 dự thảo có quy định về Quỹ nhưng chưa cụ thể mà chỉ giao lại Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định về thành lập Quỹ, quy định nguồn vốn, điều lệ tổ chức và hoạt động của Chính phủ thành lập Quỹ.

Quy định như trên chưa thể hiện đầy đủ được nội dung chính sách thành lập Quỹ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam để thuyết minh cho đề xuất bổ sung này. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương bổ sung thuyết minh về chính sách thành lập Quỹ, trong đó làm rõ cơ sở pháp lý, căn cứ đề xuất thành lập Quỹ, thẩm quyền thành lập, mô hình hoạt động, nguồn kinh phí dự kiến…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương có đề xuất dự án mới, dự án cải tạo cơ sở hạ tầng, công trình xây dựng có sử dụng vốn nhà nước phải tuân thủ quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn nêu trên tương ứng phát sinh yêu cầu sử dụng các vật liệu, thiết bị, máy móc… với chi phí có thể cao hơn so với việc xây dựng, cải tạo các công trình, cơ sở hạ tầng hiện nay.

Do đó, đề nghị Bộ Công Thương làm rõ đề xuất này và có đánh giá tác động cụ thể, điều kiện chuyển tiếp đối với các dự án đang triển khai thực hiện để đảm bảo tính khả thi của chính sách.

Một số ý kiến khác cho rằng, cần có thể chế, chính sách thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp, người dân sử dụng năng lượng an toàn, hiệu quả. Do đó, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết.

Như Nguyệt

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thuc-day-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua.htm