Thúc đẩy sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong

Diễn ra 4 năm một lần, Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) sẽ có sự tham dự của những người đứng đầu chính phủ đến từ 4 nước thành viên gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Từ ngày 2-5/4 tới tại thủ đô Vientiane, Lào sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) lần thứ 4, nhân dịp này phóng viên TTXVN tại Lào đã phỏng vấn Tiến sỹ Anoulak Kittikhoun, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC về hội nghị

Ông Anoulak đánh giá hội nghị có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các nước thành viên của MRC, là dịp để các lãnh đạo của 4 quốc gia thành viên gặp nhau nhằm tái khẳng định các cam kết thực hiện khung Hiệp định Mekong đã được lãnh đạo MRC ký năm 1995, cũng như vai trò của ủy hội trong điều phối và thúc đẩy sự phát triển bền vững ở lưu vực sông Mekong.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ tái khẳng định các cam kết phối hợp với nhau trên tinh thần hợp tác, tuân thủ các nguyên tắc, quy tắc, hướng dẫn và chiến lược của Ủy hội Mekong trong quản lý và phát triển dòng sông.

Đề cập tới những thách thức mà sông Mekong đang phải đối mặt và phương thức mà MRC sẽ triển khai để dòng sông được sử dụng một cách hiệu quả và bền vững, ông Anoulak cho biết sông Mekong đang phải đối mặt với thách thức kép về cả phát triển và biến đổi khí hậu, trong đó sự phát triển đã mang lại cả lợi ích lẫn những tác động tiêu cực.

Do đó, MRC đang tập trung vào hai bước chính, đầu tiên là đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin về các dự án, công trình và các hoạt động hiện có, để đảm bảo rằng chúng được vận hành và quản lý theo cách chặt chẽ và nhịp nhàng hợp hơn.

Thứ hai, trong trung và dài hạn, các quốc gia cần cùng nhau tham gia vào việc “lập kế hoạch khu vực chủ động”, có nghĩa là gợi ý cho các quốc gia những cách tốt hơn để cùng nhau phát triển, quản lý dòng sông một cách hiệu quả hơn. Việc quản lý hiệu quả hơn này liên quan đến rất nhiều mảng như là làm thế nào để phù sa chảy từ đầu nguồn đến cuối nguồn…

Chính vì vậy, MRC đang tìm cách để quản lý trầm tích từ thượng nguồn đến hạ lưu, nhân tố rất quan trọng đối với khu vực đồng bằng; quản lý tốt hơn các tài nguyên môi trường như vùng ngập lũ, đất ngập nước, lưu vực sông để chúng duy trì các chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các dự án chung.

Với hai biện pháp chính trên, MRC hy vọng trong 5 - 10 năm nữa, sông Mekong sẽ chuyển sang trạng thái tích cực hơn.

Hội nghị cấp cao MRC được diễn ra 4 năm một lần, với sự tham dự của những người đứng đầu chính phủ đến từ 4 nước thành viên gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam và các nhà lãnh đạo chính trị đến từ các đối tác đối thoại, cùng các đối tác phát triển để đánh giá về sự hợp tác liên quan sông Mekong, cũng như đưa ra các định hướng chiến lược.

Bên cạnh Hội nghị cấp cao MRC còn có Hội nghị quốc tế MRC, thu hút sự tham gia của các chuyên gia khu vực và toàn cầu đến từ nhiều lĩnh vực như nước và các nguồn tài nguyên liên quan, năng lượng, lương thực, giao thông, đường thủy xuyên biên giới, quản lý lưu vực sông, quản trị và phát triển...

Ủy hội sông Mekong là tổ chức liên chính phủ, gồm thành viên là các nước Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ủy hội được thành lập theo Hiệp định Mekong năm 1995 nhằm quản lý nguồn nước chung và các tài nguyên liên quan của sông Mekong vì sự phát triển bền vững của khu vực này./.

Phạm Kiên – Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thuc-day-su-phat-trien-ben-vung-o-luu-vuc-song-mekong/853977.vnp