Thúc đẩy tăng năng suất lao động

Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa tổ chức Diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024. Tại diễn đàn, cán bộ Công đoàn, đoàn viên, công chức, viên chức, công nhân lao động đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động quốc gia.

Công nhân Công ty CP Thiết bị điện THIBIDI (huyện Long Thành) thi đua sản xuất, tăng năng suất sản phẩm. Ảnh: N.Hòa

Công nhân Công ty CP Thiết bị điện THIBIDI (huyện Long Thành) thi đua sản xuất, tăng năng suất sản phẩm. Ảnh: N.Hòa

Diễn đàn có 450 đại biểu tham dự. Trong đó, Đồng Nai vinh dự có 3 công nhân tiêu biểu và một đơn vị Công đoàn tại doanh nghiệp (DN) có đông lao động tham gia, chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất mang lại năng suất cao.

* Chia sẻ từ thực tiễn

Vinh dự là đại diện cho người lao động (NLĐ) tại Đồng Nai tham gia diễn đàn có kỹ sư Trần Thanh Ngân của Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom). Anh Ngân cho biết, năng suất lao động không chỉ đến từ việc hoàn thành công việc mỗi ngày, mà còn phải nhạy bén, tìm tòi để đóng góp những sáng kiến giúp tăng số lượng, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, việc đổi mới sản xuất hiện nay.

Sáng kiến Trục xoay đổi gá hàn của anh Ngân được đánh giá mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đã khẳng định được sự nỗ lực không ngừng trong công việc của anh. Trước đây, để vận hành hệ thống một máy phải tốn nhiều nhân công, trong khi năng suất không cao. Do đó, anh Ngân thực hiện Sáng kiến Trục xoay đổi gá mỗi khi robot hàn xong. Sau khi áp dụng sáng kiến này vào sản xuất, công nhân không phải di chuyển nhiều trong quá trình làm việc, tận dụng tối đa cường độ hoạt động của máy móc. Đặc biệt, một lao động có thể làm việc với 2 robot, giảm chi phí nhân công, làm lợi cho DN khoảng 200 triệu đồng/năm.

Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2011 đến nay, năng suất lao động tăng 2,7 lần, từ 70 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 188,7 triệu đồng/lao động năm 2023. Đây là mức cao so với khu vực và đang thu hẹp dần khoảng cách với các nước.

“Hiện nay, công nghệ robot đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất. Tuy nhiên, để tối ưu hóa hoạt động của robot, cần có những sáng tạo, cải tiến phù hợp. Sáng kiến trên là một giải pháp đơn giản nhưng hiệu quả, giúp robot hàn có thể tự động thay đổi vị trí gá sau mỗi lần hàn xong. Nhờ vậy, robot có thể hoạt động liên tục mà không cần sự can thiệp của con người, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất” - anh Ngân chia sẻ.

Chị Nguyễn Ngọc Dung, làm việc tại Công ty TNHH Cibao (thành phố Long Khánh) là nữ công nhân tiêu biểu được tham gia diễn đàn. Theo chị Dung, với tư cách công nhân trực tiếp sản xuất, chị rất vinh dự vì đây là lần đầu tiên tham gia diễn đàn lớn để lắng nghe những chia sẻ, kinh nghiệm trong sản xuất của NLĐ đến từ các DN trong cả nước.

Môi trường làm việc tốt, phúc lợi đảm bảo sẽ thôi thúc công nhân nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Hòa

Môi trường làm việc tốt, phúc lợi đảm bảo sẽ thôi thúc công nhân nâng cao năng suất lao động. Trong ảnh: Công nhân Công ty CP Công nghiệp Chính xác Việt Nam (huyện Trảng Bom) trong giờ làm việc. Ảnh: Nguyễn Hòa

Chị Dung kể, lúc mới làm công nhân, chị luôn khâm phục tác phong làm việc chuyên nghiệp của các đồng nghiệp. Từ đó thôi thúc chị phấn đấu, học hỏi mỗi ngày với suy nghĩ làm thế nào để tăng năng suất, làm thế nào để tay nghề ngày càng vững, làm việc nhanh hơn. Nhờ sự kiên trì đó, chị trở thành công nhân giỏi, được giao nhiệm vụ đào tạo cho những lao động mới vào làm việc. Ngoài ra, chị Dung còn quay video clip hướng dẫn đào tạo nghề cho công nhân, góp phần giảm thời gian đào tạo từ 10 ngày xuống còn 2-4 ngày, làm lợi cho công ty hơn 100 triệu đồng/tháng.

* Để công nhân hăng say lao động

Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang, những năm qua, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan tới việc làm, thu nhập, đời sống, an ninh, an toàn của NLĐ. Đứng trước yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức diễn đàn với mong muốn NLĐ, cán bộ Công đoàn và DN trao đổi, đánh giá về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân và điểm nghẽn.

Đến với diễn đàn, NLĐ đến từ các địa phương, các ngành cho biết, năng suất lao động nước ta còn có thể nâng cao nhiều hơn nữa nếu từng DN, NLĐ luôn nỗ lực hàng ngày. Mỗi công nhân lao động, dù làm những vị trí công việc khác nhau nhưng phải có mục tiêu, trau dồi kỹ năng, tiếp cận, làm chủ khoa học công nghệ. Trong đó, vấn đề rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho NLĐ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao năng suất lao động. Chỉ khi nâng cao năng suất, công nhân mới có cơ hội nâng cao thu nhập, giảm thời giờ làm việc, tái tạo sức lao động.

Theo tiến sĩ Phạm Thu Lan, Viện Công nhân - Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam, NLĐ đi làm đều quan tâm tới tiền lương, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ “nhảy việc” của NLĐ cao, ở các ngành đông NLĐ, hàng tháng có từ 8-12% NLĐ nhảy việc. Điều này gây trở ngại cho DN về nhân lực vì phải tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cho tuyển dụng và đào tạo lao động, trong khi chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất lao động.

Bà Lan đề xuất, để NLĐ tăng năng suất lao động cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng, tăng độ bao phủ bảo hiểm xã hội và thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202406/thuc-day-tang-nang-suat-lao-dong-40b67e4/