Thúc đẩy tăng trưởng: Kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng đầu tư tư nhân
Khôi phục tổng cầu được xem là chìa khóa để đưa nền kinh tế phục hồi trong ngắn hạn. Theo đó, phải kích cầu trong nước, tức là đẩy mạnh chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư của tư nhân, đầu tư của Chính phủ và xuất khẩu.
Tập trung dự án có tính lan tỏa cao
Để nền kinh tế vượt qua khó khăn trước mắt, TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng cần thúc đẩy tổng cầu của nền kinh tế qua việc đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023. Theo đó, cần tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao như dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công.
“Nếu giải ngân được 95% tổng số vốn 713.000 tỉ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP năm 2023”, ông Lực dự báo.
Bên cạnh đầu tư công, cần kích cầu tiêu dùng nội địa, vì tiêu dùng tăng trưởng 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2%, nếu loại trừ yếu tố giá. Ngoài ra, cần quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần rà soát, cập nhật và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư.
Ngoài ra, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước, gồm các vấn đề pháp lý và tiếp cận thị trường như đất đai, điện năng, phòng cháy chữa cháy, đăng kiểm, khả năng tiếp cận và năng lực hấp thụ vốn, nguồn nhân lực.
Bên cạnh các giải pháp trên, theo các chuyên gia, việc bình ổn và thực hiện các biện pháp lành mạnh hóa các thị trường gồm chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, tăng thanh khoản ngân hàng cũng góp phần củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân nửa cuối năm 2023.
Ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economyca cho rằng, khôi phục tổng cầu là chìa khóa, nhưng phải kích cầu trong nước (chi tiêu hộ gia đình, chi tiêu của Chính phủ, đầu tư của tư nhân, đầu tư của chính phủ và xuất khẩu), và xây dựng nền kinh tế tự lập tự cường.
Theo TS. Lê Duy Bình, kích cầu phải kịp thời và phải có những nguyên tắc để tránh tạo ra các bất ổn khác như làm tăng lạm phát, tỷ giá hay tạo ra bong bóng tài sản. Vì thế, một số biện pháp kích cầu chỉ thực hiện tạm thời để kích thích được phản ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để tránh gây bất ổn, trong khi nguồn lực và dư địa chính sách còn hạn chế, cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn. Theo đó, kích cầu phải đúng đối tượng, đó là hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; Hướng vào hàng hóa nội địa (giảm VAT (giảm VAT, phí trước bạ chưa thực sự đúng đối tượng).
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khuyến nghị, vấn đề đặt ra là làm sao để hộ gia đình chi tiêu nhiều hơn, không phải là thắt chặt chi tiêu. Bởi trong thống kê về tiêu dùng trong nước có 70% là chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày của hộ gia đình.
“Tiềm năng tiêu dùng trong nước còn lớn. Nhưng tiêu dùng và sức mua của người dân phụ thuộc vào niềm tin vào triển vọng kinh tế. Nếu lo ngại kinh tế xấu đi, người dân sẽ tiết giảm chi tiêu", TS. Nguyễn Bích Lâm cho hay.
Đồng quan điểm, các chuyên gia cho rằng, với xu hướng xuất khẩu giảm, động lực tăng trưởng kinh tế cần dựa vào trụ cột bên trong như tiêu dùng nội địa, cải thiện môi trường để tăng đầu tư tư nhân, thúc đẩy đầu tư công. Tuy nhiên, hiện đầu tư tư nhân tăng chậm do lãi suất cao, khó tiếp cận tín dụng và phát hành trái phiếu/cổ phiếu, và đặc biệt là do niềm tin giảm sút.
Để khuyến khích đầu tư tư nhân, cần áp dụng các chính sách như: Tiếp tục hạ lãi suất cho vay; giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản; sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn.
PGS. TS Phan Thế Công, Trưởng khoa Kinh tế - Đại học Thương mại nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường phân cấp, đi đôi với kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu và khắc phục tình trạng ngại sai, sợ trách nhiệm, giải quyết công vụ chậm của nhiều công chức; sớm hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh đề xuất, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể: thứ nhất, phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Thứ hai là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của doanh nghiệp vay vốn.
Mặt khác, ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường.
Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định.
Bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, trong nửa cuối năm, một số mặt hàng xuất khẩu có thể tăng nhẹ trên nền cơ sở rất thấp, đặc biệt là trong quý 4 nhờ một số hỗ trợ thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Nhờ đó, tiêu dùng cuối cùng thoát đáy và đầu tư tư nhân phục hồi nhẹ.
"Dự báo năm 2023, GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%, và phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024", bà Dorsati Madani nói.
Đề xuất các giải pháp để kích cầu, đại diện WB cho rằng, đối với chính sách tài khóa cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện quy trình thủ tục. Hiện nay, chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng, vào các vùng quan trọng và khu vực tăng trưởng.
Bà Dorsati Madani dẫn chứng, kể từ năm 2016 đến nay, Việt Nam không có dự án nào đầu tư vào cơ sở hạ tầng truyền tải và lưới điện. Đây là một ví dụ rõ ràng.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cũng nêu các biện pháp ứng phó với khủng hoảng, bao gồm tháo gỡ khó khăn trên thị trường tín dụng. Theo đó, để cải cách cơ cấu tín dụng trong trung hạn, cần củng cố hệ số an toàn vốn của ngân hàng; tăng cường các khuôn khổ thể chế để giám sát cẩn trọng, can thiệp sớm, xử lý ngân hàng và quản lý khủng hoảng; tăng cường khung pháp lý về xử lý ngân hàng yếu kém.