Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn
Khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể truy cập vào VBSP Smartbanking thực hiện chuyển nhanh NAPAS 247 từ tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Chính sách đến 45 NH thành viên NAPAS.
Ngày 31/7, tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 và dịch vụ chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR trên ứng dụng ngân hàng điện tử của Ngân hàng Chính sách xã hội trên điện thoại di động (VBSP Smartbanking).
Việc hợp tác nói trên nằm trong kế hoạch mở rộng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thanh toán số hiện đại cho nhóm đối tượng khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội, chủ yếu ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ tại đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Theo đó, khách hàng có thể truy cập vào ứng dụng VBSP Smartbanking và thực hiện giao dịch chuyển nhanh NAPAS 247 từ tài khoản thanh toán mở tại Ngân hàng Chính sách đến 45 ngân hàng thành viên của NAPAS và ngược lại.
Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể tạo mã QR cá nhân để nhận tiền ngay trên ứng dụng VBSP Smartbanking đồng thời chuyển tiền bằng quét QR của các ngân hàng khác. Việc chuyển tiền/thanh toán thông qua hai phương thức nói trên sẽ mang lại trải nghiệm thanh toán tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho các khách hàng. Hơn hết, giao dịch được thực hiện mọi nơi, mọi lúc với giá trị lên đến 500 triệu đồng/giao dịch và hoàn toàn miễn phí theo quy định hiện nay.
Chia sẻ về ý nghĩa của việc hợp tác lần này, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc NAPAS cho biết trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của hoạt động thanh toán điện tử những năm gần đây, việc nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn và tiện ích cho người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa là việc làm hết sức ý nghĩa.
"Với thế mạnh về mạng lưới chi nhánh, khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội trải dài khắp 63 tỉnh thành trên cả nước, NAPAS tin tưởng sự hợp tác tốt đẹp với Ngân hàng Chính sách sẽ là bước tiến quan trọng thúc đẩy lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển hơn nữa đồng thời góp phần phổ cập tài chính toàn diện đến với các đối tượng khó khăn, yếu thế trong xã hội," ông Minh nhấn mạnh.
Ông Hoàng Minh Tế, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: “Sự hợp tác giữa NAPAS và Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đưa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại như chuyển tiền qua mã VietQR mang đến trải nghiệm mới cho khách hàng. Việc này không chỉ giúp mở rộng mạng lưới chuyển tiền/ thanh toán bằng mã QR nói chung mà còn đem lại cơ hội cho người dân, đặc biệt là người dân nghèo, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại, thuận tiện, nhanh chóng”.
Trong những năm qua, NAPAS đã không ngừng kết nối và mở rộng hệ thống. Đến nay, mạng lưới tổ chức thành viên của NAPAS gồm 4 Ngân hàng thương mại nhà nước, 31 Ngân hàng thương mại cổ phần, 4 Công ty tài chính, 23 Ngân hàng/Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài, 1 Ngân hàng Hợp tác xã và 1 Ngân hàng Chính sách xã hội. Bằng sự hợp tác chặt chẽ giữa NAPAS và các tổ chức thành viên đã giúp đưa ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, an toàn, nhiều tiện ích cho người dùng, qua đó góp phần hoàn thiện nền tảng tài chính số hiện đại, thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường thanh toán của Việt Nam.
VietQR là nhận diện thương hiệu chung dành cho các dịch vụ thanh toán, chuyển khoản bằng mã QR được xử lý qua mạng lưới NAPAS và các ngân hàng thành viên, các trung gian thanh toán, các đối tác thanh toán trong và ngoài nước.
VietQR tuân thủ tiêu chuẩn thanh toán QR của EMV Co. và bộ Tiêu chuẩn cơ sở cho mã QR do Ngân hàng Nhà nước ban hành tại Quyết định số 1928/QĐ-NHNN.
Lãnh đạo NAPAS cho biết VietQR được NAPAS cùng các ngân hàng thống nhất triển khai nhằm đảm bảo tính liên thông và đồng bộ của hạ tầng thanh toán qua QR Code trong lãnh thổ Việt Nam, là cơ sở để mở rộng liên kết thanh toán quốc tế. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Ngân hàng Nhà nước nhằm thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện quốc gia./.