Thúc đẩy thanh toán trực tuyến trong dịch vụ công
Trong mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) toàn diện, xây dựng nền hành chính nhà nước văn minh, hiện đại gắn liền với xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, dịch vụ công trực tuyến đang mang lại lợi ích không nhỏ cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, nhiều chỉ tiêu trong thanh toán số đang được tỉnh đẩy mạnh, trong đó có việc thúc đẩy các kênh thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán phí, lệ phí trên dịch vụ công nhằm tăng tính minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Người dân thuận tiện, công chức giảm áp lực
Sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân, thay vì phải đóng các khoản phí, lệ phí bằng tiền mặt, anh Đặng Thành Tâm ở phường An Lộc, thị xã Bình Long được hướng dẫn thanh toán trực tuyến đối với các hồ sơ có phát sinh phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Với các thao tác đơn giản, anh Tâm đã hoàn thành toàn bộ quy trình đóng lệ phí chỉ sau vài phút. “Ban đầu tôi cũng băn khoăn nhưng khi thực hiện lại khá đơn giản. Chỉ cần có tài khoản ngân hàng, qua vài thao tác nhập mã hồ sơ là đã thanh toán xong khoản phí phải đóng. Thay vì thực hiện giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt, giờ tôi có thể sử dụng các phương thức thanh toán trực tuyến qua ví điện tử hoặc ngân hàng để chuyển tiền hay thực hiện thanh toán giao dịch rất thuận tiện" - anh Tâm chia sẻ.

Anh Đặng Thành Tâm, phường An Lộc, thị xã Bình Long chọn thanh toán trực tuyến trên dịch vụ công khi thực hiện xong TTHC
Dịch vụ công là tổng thể các loại dịch vụ phục vụ đời sống hằng ngày, gồm: dịch vụ hành chính công; các dịch vụ sự nghiệp như y tế, giáo dục và các loại hình dịch vụ công ích khác. Tất cả dịch vụ này đều có thể thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. “Phường đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp TTHC trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thanh toán trực tuyến nhằm hạn chế thời gian chờ đợi, di chuyển để đóng các loại thuế, phí, lệ phí trong thực hiện TTHC. Không sử dụng tiền mặt trong các giao dịch sẽ tạo thói quen để người dân sử dụng các phương thức thanh toán số khi giao dịch với các cơ quan nhà nước” - chị Nguyễn Thị Hồng Loan, công chức tư pháp - hộ tịch, phường An Lộc cho biết.
Nhằm thúc đẩy mục tiêu thanh toán số trong toàn dân, tỉnh đã tập trung triển khai hàng loạt các giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thay đổi thói quen thanh toán từ tiền mặt sang trực tuyến khi giao dịch mua sắm, đặc biệt trong thực hiện TTHC trên dịch vụ công. Bộ phận một cửa các cấp đã triển khai mã QR tĩnh và động khi thực hiện thanh toán phí, lệ phí của TTHC, giúp rút ngắn thời gian thanh toán cũng như hạn chế sai sót trong thực hiện giao dịch.
Trong mục tiêu xây dựng nền hành chính phục vụ, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ người dân thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là sử dụng chữ ký số trong giải quyết TTHC. Thời gian giải quyết được rút ngắn và tiết kiệm tối đa nên tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại tỉnh ngày một tăng. Anh Phan Thiện Hòa, cán bộ công nghệ thông tin, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Trước đây, người dân đến nhận kết quả phải nộp tiền mặt, bây giờ có thể nộp lệ phí trực tuyến. Người dân cũng có thể theo dõi được tình trạng hồ sơ trên website, tin nhắn điện thoại, đảm bảo công khai, minh bạch. Để đạt hiệu quả cao nhất trong tiếp nhận, giải quyết các TTHC, trung tâm đã trang bị máy móc thực hiện quy trình ký số, ký điện tử; tạo mã QR và kios tự động quét căn cước công dân đặt tại quầy tiếp nhận hồ sơ, giúp rút ngắn quy trình giải quyết TTHC để người dân thuận tiện, cán bộ công chức giảm áp lực.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trang bị máy móc thực hiện ký số, ký điện tử; tạo mã QR và kios tự động quét căn cước công dân đặt tại quầy giúp người dân rút ngắn quy trình giải quyết TTHC
Cần tạo thêm nhiều tiện ích
Toàn tỉnh có 1.350 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 363 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 987 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử, chứng thực điện tử đã triển khai tại 11/11 huyện, thị, thành phố, 111/111 xã, phường, thị trấn. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ nhu cầu thanh toán phí, lệ phí TTHC của người dân, doanh nghiệp. Từ tháng 3-2024, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ tiêu thanh toán trực tuyến và số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Trong đó đối với tỷ lệ thanh toán trực tuyến đến cuối năm 2024 cấp tỉnh phải đạt 70%. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, việc thực hiện thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do người dân vẫn e dè khi sử dụng dịch vụ này.

Tại một số huyện, thị trong tỉnh, người dân vẫn đến trực tiếp tại bộ phận một cửa để đóng các khoản phí, lệ phí
Anh Nguyễn Tài Tình, nhân viên Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Hớn Quản cho biết: Mặc dù đã triển khai từ năm 2020 đến nay nhưng mới chỉ có khoảng 60% người dân lựa chọn thanh toán trực tuyến, 80% nộp thuế online, còn lại vẫn thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch. Nhà nước cung cấp dịch vụ nhưng người dân không thực hiện sẽ rất lãng phí và cũng tạo thêm áp lực cho cán bộ, công chức.
Nguyên nhân thanh toán trên dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng là do từ phía người dân, có những khoản thuế đất cao người dân muốn thực hiện trực tiếp tại quầy để an tâm; đôi khi do lỗi hệ thống khiến quá trình thực hiện của người dân bị gián đoạn, phải thực hiện nhiều lần… Huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thấy được những tiện ích của thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC để tăng tỷ lệ này trong thời gian tới.
Phó chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Hớn Quản NGUYỄN HỮU QUANG
Trước yêu cầu về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, việc giải quyết TTHC toàn trình sẽ là bắt buộc. Thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC là điều kiện tiên quyết để triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần minh bạch trong thu ngân sách nhà nước, tiến tới nền hành chính hiện đại. Song, để người dân chủ động chọn thanh toán trực tuyến thì cơ quan nhà nước cần tạo thêm nhiều tiện ích, triển khai các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đồng thời thường xuyên cải tiến tính năng, thao tác dễ dàng để nâng cao trải nghiệm người dùng.