Thúc đẩy thực thi kiến nghị từ phát huy 'sức mạnh truyền thông'

Để đẩy mạnh việc thực thi các kiến nghị sau giám sát, các cơ quan dân cử địa phương trước hết cần tự nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, kiến nghị bằng việc chắt lọc những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong vô vàn các vấn đề qua thực tiễn nổi lên và phải có tính khả thi trong giải quyết để kiến nghị; đồng thời, cung cấp đầy đủ, chính xác, khách quan, toàn diện thông tin đã qua 'màng lọc' của cơ quan dân cử cho các cơ quan truyền thông chính thống để đăng tải. Để làm được như vậy, các cơ quan dân cử cần phối hợp, xây dựng mối quan hệ công tác tốt với cơ quan truyền thông.

Theo đánh giá của Thường trực HĐND các địa phương qua tổng kết 7 năm thi hành, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã đáp ứng được mong chờ của các cơ quan dân cử vì đây là lần đầu tiên hoạt động giám sát được luật hóa và cụ thể hóa trong một văn bản pháp luật riêng, là khung pháp lý, động lực để HĐND thực hiện tốt vai trò giám sát quyền lực. Tuy nhiên, vẫn còn những kiến nghị tồn đọng, kéo dài chưa giải quyết nhiều năm, thậm chí qua nhiều nhiệm kỳ. Nhiều nội dung kiến nghị bị “bỏ lửng”, không quan tâm giải quyết trong thời gian dài… Đây chính là “điểm nghẽn” trong việc thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Để góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” trong thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, dựa vào tổ chức Đảng và phát huy “sức mạnh truyền thông” là những giải pháp thiết thực cần được phát huy.

Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp báo về Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX. Ảnh: Ngọc Hưng

Thường trực HĐND tỉnh Tuyên Quang tổ chức họp báo về Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIX. Ảnh: Ngọc Hưng

Phải dựa vào tổ chức Đảng

HĐND đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các tổ chức Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước ở địa phương. Đảng lãnh đạo HĐND bằng các chủ trương, định hướng lớn, bằng công tác kiểm tra, giám sát và công tác cán bộ. Do đó, HĐND hoạt động hiệu lực, hiệu quả phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc giải quyết các kiến nghị qua giám sát của HĐND cũng cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng. Vậy, việc tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo đó như thế nào?

Thứ nhất, phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, vai trò của cấp ủy, ủy viên ban thường vụ cấp ủy phụ trách hoạt động của HĐND ở mỗi cấp. Trong một tập thể cấp ủy lãnh đạo, bản thân đồng chí đó mới am hiểu sâu các vấn đề khó khăn, phức tạp trong hoạt động của HĐND cần có sự lãnh đạo của tập thể cấp ủy. Do đó, ngoài tham mưu cho cấp ủy các chủ trương, giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của HĐND, cũng phải phản ánh, kiến nghị cấp ủy chỉ đạo thực hiện các kiến nghị qua giám sát của HĐND. Bởi suy cho cùng, Đảng lãnh đạo, quyết định công tác cán bộ, xem xét, cho chủ trương về các nhiệm vụ, định hướng lớn trước khi HĐND quyết định.

Thứ hai, trong công tác kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm của cấp ủy địa phương, cần có quy định lấy ý kiến của đảng đoàn, Thường trực HĐND cùng cấp về nội dung gợi ý kiểm điểm đối với tổ chức đảng, đảng viên thuộc thẩm quyền cấp ủy quản lý. Trong đó, Đảng đoàn, Thường trực HĐND góp ý nội dung cần kiểm điểm đối với tổ chức đảng và đảng viên chậm hoặc không tổ chức thực hiện, giải quyết các kiến nghị qua giám sát của HĐND.

Phát huy “sức mạnh truyền thông”

Ở mỗi cấp chính quyền địa phương, HĐND không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước, mà còn là cơ quan đầu mối thông tin rất quan trọng, là diễn đàn, nghị trường lớn phản ánh toàn bộ hoạt động của chính quyền địa phương và kể cả hệ thống chính trị trên địa bàn. Do đó, hoạt động của HĐND nói chung, hoạt động của HĐND tại kỳ họp nói riêng thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí và dư luận xã hội. Trong bối cảnh truyền thông đã và đang có xu hướng lớn mạnh, trở nên có “quyền lực” trong xã hội hiện đại thì việc kết hợp giữa hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương với hoạt động của truyền thông chính thống như là mối quan hệ hữu cơ. Truyền thông cần thông tin để “nuôi” chính mình; ở chiều ngược lại, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương cần truyền thông cho chính hoạt động của mình, nhất là thực hiện các kết luận, kiến nghị qua giám sát.

Thực tiễn cho thấy, cùng một vấn đề cử tri và đại biểu dân cử kiến nghị khi phản ảnh trên sóng truyền hình thì lập tức có sự chỉ đạo giải quyết ngay từ cơ quan có thẩm quyền, và vấn đề đó trở nên “nóng” ngay, trong khi nếu chỉ phản ánh, kiến nghị qua tổng hợp của cơ quan dân cử thì có khi phải mất nhiều thời gian mà sự chuyển biến trong giải quyết thì lại ì ạch, có khi rơi vào nguội lạnh.

Do đó, các cơ quan dân cử địa phương trước hết cần tự nâng cao chất lượng công tác tổng hợp, kiến nghị bằng việc chắt lọc những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong vô vàn các vấn đề qua thực tiễn nổi lên và phải có tính khả thi trong giải quyết để kiến nghị; đồng thời, cung cấp đầy đủ, chính xác, khách quan, toàn diện thông tin đã qua “màng lọc” của cơ quan dân cử cho các cơ quan truyền thông chính thống về các vấn đề đó, xây dựng thành các tác phẩm báo chí để đăng tải. Để làm được như vậy, các cơ quan dân cử cần phối hợp, xây dựng mối quan hệ cộng tác tốt với cơ quan truyền thông trong việc xây dựng chương trình hoạt động giám sát, chương trình kỳ họp, hợp đồng thực hiện các chuyên trang, chuyên mục…

HỮU HẢI

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/thuc-day-thuc-thi-kien-nghi-tu-phat-huy-suc-manh-truyen-thong-i351627/