Thúc đẩy tiến trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia trông đợi trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày mai, Quốc hội sẽ thảo luận sâu về những khó khăn, gánh nặng của doanh nghiệp hiện nay. Từ đó, có giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy tiến trình thực thi, giải quyết để tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư cũng như khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.

Xuất hiện tín hiệu tốt…

Số liệu mới nhất từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy, đã xuất hiện gam màu sáng hơn trong bức tranh doanh nghiệp.

Theo đó, 5 tháng đầu năm cả nước có 64.758 doanh nghiệp thành lâp mới, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023 và 34.067 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,3%. Tính chung số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 98.825 doanh nghiệp, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2019 - 2023 (83.109 doanh nghiệp). Con số này đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Cụ thể, 5 tháng qua có 97.299 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Điều này có nghĩa, tình trạng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã tạm chấm dứt. Trước đó, số liệu 4 tháng đầu năm đánh dấu lần đầu tiên trong vòng 5 năm qua, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Cụ thể, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

… nhưng khó khăn vẫn bủa vây

Dù vậy, vẫn đang có nhiều khó khăn đè nặng doanh nghiệp. Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế dẫn khảo sát của Tổng cục Thống kê, cho thấy nhu cầu thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nhu cầu thị trường quốc tế thấp là các yếu tố chính ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong quý I. Bên cạnh đó, chi phí vận tải tăng khá mạnh so với cùng kỳ, đặc biệt là đường biển, kéo dài từ cuối năm 2022 đến nay, cũng khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm xuất khẩu, gặp không ít khó khăn. Các doanh nghiệp đều đang phải xoay xở để giữ đơn hàng, đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng.

Năm 2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật về kinh doanh. Doanh nghiệp, hiệp hội đã phản ánh 94 bất cập, vướng mắc trong đó liên quan đến các quy định từ cấp luật đến nghị định, thông tư. “Có thể nhận thấy, các vướng mắc của doanh nghiệp phản ánh dường như rất ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp”, Báo cáo dòng chảy kinh doanh pháp luật năm 2023 của VCCI cho biết.

Đáng chú ý, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thời gian qua không còn mạnh mẽ như giai đoạn trước. Một số điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp vẫn còn tồn tại. Trong hai năm trở lại đây, số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã tăng lên, theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn lại 4 tháng đầu năm nay, tăng trưởng đầu tư tư nhân tiếp tục duy trì xu hướng tăng yếu (4,2%), thấp hơn 9,1 điểm % bình quân giai đoạn 2015 - 2019. Điều này không chỉ vì cung ứng vốn đầu tư từ khu vực ngân hàng tăng chậm. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho rằng, nguồn lực khu vực tư nhân chưa được khơi thông hiệu quả vì môi trường kinh doanh còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, gánh nặng chính sách đối với doanh nghiệp còn tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau.

“Không chỉ khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ của doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường. Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung, dài hạn”, các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét.

Kỳ vọng sự thúc đẩy từ nghị trường

“Chúng tôi mong những khó khăn của doanh nghiệp sẽ được các đại biểu thảo luận trên nghị trường Quốc hội và tìm cách tháo gỡ cũng như thúc đẩy tiến trình giải quyết các khó khăn này”, ông Đỗ Hà, Giám đốc Công ty Thuận Phát (Hà Nội) chia sẻ.

Nói với báo chí trước ngày Quốc hội khai mạc Kỳ họp thứ Bảy, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các đại biểu Quốc hội cần truy tới gốc vì sao các khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, đã có phương án lại chưa được giải quyết dứt điểm. Từ đó, thúc đẩy bằng được các giải pháp đã có, không để những tồn tại được nêu từ kỳ họp này tới kỳ họp khác. “Vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan trọng trong lúc này, để doanh nghiệp thực sự thấy rõ sự thấu hiểu, chia sẻ. Trong bối cảnh hiện tại, đây là những thông điệp quý báu để củng cố, gia tăng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước”, ông Cung nói.

Theo các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, lúc này, Quốc hội và Chính phủ cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi. Về lâu dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thuc-day-tien-trinh-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-i373035/