Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng bằng vốn rẻ
Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn sau 2 năm đại dịch Covid-19, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Việc đưa ra chính sách lãi suất ưu đãi cho vay tiêu dùng với đối tượng này là rất cần thiết.
Ưu đãi lãi vay cho công nhân, người khó khăn
Trong 3 năm qua, thị trường tài chính tiêu dùng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch Covid-19, việc cho vay mới cũng như thu hồi nợ cũ của các công ty tài chính gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tổng dư nợ của các công ty tài chính tăng trưởng thấp hơn kế hoạch và tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên mức 9%. Tuy nhiên, nhờ công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và nỗ lực kích cầu của các công ty tài chính, tín dụng tiêu dùng dần lấy lại đà tăng trưởng, góp phần đẩy lùi tín dụng “đen”. Đặc biệt, gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng được triển khai từ tháng 8/2022 thông qua FE Credit và HD Saison đã tạo điều kiện cho công nhân giải quyết khó khăn trước mắt.
Đây là lần đầu tiên trên thị trường có một gói cho vay có trị giá lớn như vậy dành cho đối tượng công nhân. Chương trình có sự phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đó, FE Credit và HS Saison, mỗi công ty triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng, với lãi suất bằng một nửa so với mặt bằng lãi suất trên thị trường để cho vay tất cả các nhu cầu chính đáng của công nhân. Thời hạn vay từ 3 tháng đến 3 năm, số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày.
HD Saison cho biết, Công ty triển khai gói 10.000 tỷ đồng từ đầu tháng 8/2022 cho đến hết năm 2023, với lãi suất 20%/năm (lãi suất thông thường trên 40%/năm). Công nhân tiếp cận khoản vay này có thể quay vòng trong nhiều năm tiếp theo. Để đảm bảo các khoản vay đúng người, đúng đối tượng và an toàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước và 2 công ty tài chính tiêu dùng tổ chức đoàn công tác đi khảo sát một số công đoàn cơ sở và khu công nghiệp để có được cái nhìn thực tế và điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khi đó, lãnh đạo FE Credit cho hay, Công ty đã phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết và sớm triển khai gói vay ưu đãi. Đối tượng được tiếp cận gói vay này là công đoàn viên, người lao động có tên trong danh sách thông tin cấp tín dụng được cung cấp bởi các cấp công đoàn cơ sở. Ngoài ra, người lao động cần có hồ sơ tín dụng tốt, lịch sử tín dụng rõ ràng, có hợp đồng lao động và thu nhập ổn định tại các doanh nghiệp. Hạn mức và thời hạn khoản vay linh hoạt cho từng đối tượng, với mức lãi suất khoảng 15%/năm.
Tại FE Credit, khách hàng chủ yếu là công nhân, nông dân, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn - những người có thu nhập trung bình, thấp, yếu thế. Hầu hết các khoản vay đều xuất phát từ nhu cầu chính đáng như chi phí sinh hoạt, chữa bệnh, nâng cấp phương tiện đi lại, tiền học phí… Đặc biệt, trong giai đoạn chống dịch Covid-19 vừa qua, Công ty đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người yếu thế vượt qua khó khăn. Riêng năm 2021, FE Credit có tới 400.000 khoản vay ưu đãi với tổng dư nợ 2.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2020 đến cuối năm 2022, số tiền lãi FE Credit đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 350 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2022 là gần 150 tỷ đồng, với gần 50.000 hợp đồng được hỗ trợ.
Giảm sức “nóng” cho hàng trăm khoản chi
Trong thời gian tới, nếu gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng cho kết quả tốt thì toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng hiện tại có thể triển khai theo mô hình hợp tác với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để cho vay công nhân.
Các khoản vay do các công ty tài chính cung cấp đã góp phần giải tỏa áp lực chi tiêu cho nhiều cá nhân, gia đình, nhất là trong dịp lễ, Tết, cũng như tiếp sức cho các ý tưởng kinh doanh nhỏ, cải thiện thu nhập của người lao động.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HD Saison cho hay, để phát huy tối đa khả năng hỗ trợ tài chính đối với nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân, các công ty tài chính tiêu dùng đã tập trung phát triển mạng lưới và sản phẩm vay. Hiện HD Saison có xấp xỉ 24.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc và sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới, chú trọng đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn.
Tại FE Credit, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc Công ty cho biết, gói vay 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi đã được Công ty triển khai tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Các sản phẩm vay đa dạng và linh hoạt với giá trị từ 10 - 70 triệu đồng, có kỳ hạn từ 6 - 24 tháng. Bên cạnh đó, Công ty không ngừng triển khai các giải pháp khác nhằm đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng cho người yếu thế, giúp họ tiếp cận gần hơn với nguồn tín dụng chính thức.
Theo ông Phúc, sau các cuộc khảo sát, Công ty ghi nhận nhu cầu vay tiền mặt của công nhân, người lao động rất cao. Tuy nhiên, việc giải ngân của Công ty đang theo lộ trình Thông tư 43/2016/TT-NHNN, khi đến tháng 1/2023, tỷ trọng giải ngân tiền mặt đối với cho vay tiêu dùng sẽ xuống 50% và về mức 30% kể từ ngày 1/1/2024.
“Để có thể triển khai gói vay hiệu quả, rất mong Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh tỷ lệ để chúng tôi có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay tiền của người lao động”, ông Phúc kiến nghị.
Mặc dù nhu cầu vay của công nhân hiện nay rất lớn, nhưng để đáp ứng một cách trọn vẹn và giảm thiểu rủi ro thấp nhất là một vấn đề lớn. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thị trường việc làm nhiều biến động hiện nay, công nhân có thể nghỉ việc, đổi việc liên tục, gây không ít khó khăn cho việc thu hồi nợ của của các công ty tài chính. Ông Phúc rất mong có sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, liên đoàn lao động cơ sở trong việc thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa công ty tài chính với người lao động, người sử dụng lao động.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của hai công ty tài chính trong việc triển khai gói vay ưu đãi, đồng thời đề nghị hai công ty thực hiện nghiêm túc, chủ động các biện pháp, tiếp cận công đoàn cơ sở, nhằm hạn chế rủi ro một số đối tượng mạo danh các công ty này lừa đảo người lao động. Về phía Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, sẽ cam kết nghiêm túc thực hiện theo thỏa thuận, chỉ đạo của Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước trong cuộc chiến chống tín dụng “đen”. Nếu công nhân tiếp tục muốn vay, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có thể gia hạn hạn mức cho vay bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức tín dụng triển khai tốt gói vay ưu đãi.
Trước những đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước khẳng định, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với hai công ty tài chính. Hai công ty đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như đi khảo sát 11 tỉnh, thành phố để cho vay. Trong thời gian tới, nếu gói hỗ trợ tín dụng 20.000 tỷ đồng cho kết quả tốt thì toàn bộ 16 công ty tài chính tiêu dùng hiện tại có thể triển khai theo mô hình hợp tác với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Khi có sự tham gia của tổ chức này, rủi ro sẽ giảm, lãi suất thấp hơn.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-day-tin-dung-tieu-dung-bang-von-re-post323443.html