Thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Ga Đường sắt quốc tế Đồng Đăng: Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Thời gian qua, việc thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua Cửa khẩu Ga đường sắt Quốc tế (ĐSQT) Đồng Đăng gặp một số khó khăn. Nguyên nhân chính là do hạ tầng cơ sở, hệ thống đường sắt, kho bãi... tại đây chưa đáp ứng được hoạt động bốc dỡ, vận chuyển, kiểm hóa… hàng hóa XNK. Những 'rào cản' này khiến kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng chưa tương xứng với tiềm năng.
Kim ngạch XNK qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng trong những năm qua có sự tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng không đều. Cụ thể, năm 2021 kim ngạch đạt 161,7 triệu USD; năm 2022 đạt 309,5 triệu USD; năm 2023 đạt 136 triệu USD; trong gần 3 tháng đầu năm 2024 mới đạt gần 20,3 triệu USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước.
Hạn chế về hạ tầng
Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng là cửa khẩu quốc tế, vì vậy có thể thực hiện nhiều loại hình XNK như quá cảnh, chuyển cửa khẩu, tạm nhập, tái xuất. Việc chuyên chở hàng hóa XNK được thực hiện theo Hiệp định đường sắt biên giới giữa Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Việt Nam và Bộ Đường sắt của Trung Quốc, vì thế tuyến tàu liên vận qua Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng chạy qua nhiều địa phương trong nội địa của Trung Quốc cũng như sang một số nước Đông Âu. Đồng thời, hiện nay, cước vận tải hàng hóa bằng tuyến đường sắt đang thấp hơn khoảng 30% so với cước phí vận tải đường bộ... Đây chính là những ưu thế của Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, theo đánh giá của cơ quan hải quan, hiện cơ sở hạ tầng từ tuyến đường ray, bến bãi, hệ thống đường bộ kết nối vào khu vực cửa khẩu Ga Đồng Đăng, kho bãi, thiết bị năng lực xếp dỡ, giải phóng các toa xe hàng còn hạn chế... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thu hút các doanh nghiệp thực hiện XNK hàng hóa qua cửa khẩu này.
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng chia sẻ: Hiện tại, ở Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng chỉ có một địa điểm kiểm tra giám sát hàng hóa là bãi hóa trường do Ga Đồng Đăng quản lý. Bãi hóa trường này hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Đặc biệt, mặt hàng hoa quả, nông sản lại chưa thể thực hiện xuất khẩu qua cửa khẩu này, bởi hiện phía Ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) không bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật.
Cùng vấn đề này, ông Tạ Duy Hiển, Phó Giám đốc Ga Đồng Đăng cho biết thêm: Việc cải tạo hạ tầng Ga Đồng Đăng đã được Bộ GTVT quan tâm, đầu tư một số hạng mục, tuy nhiên, hiện việc kết nối từ ga ra bãi hóa trường và từ đường quốc lộ vào bãi hóa trường chưa thể thực hiện do vướng về mặt bằng. Do chưa thể mở rộng ga nên mặc dù trong khu vực Ga Đồng Đăng hiện có 9 đường ray nhưng các đường ray trong ga lại rất ngắn, đường ray dài lớn nhất chỉ có thể chứa được khoảng 25 toa tàu hàng. Do đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu cho việc đỗ, dỡ, xếp các toa chở hàng hóa XNK.
“Ga Đồng Đăng là một trong hai ga đường sắt liên vận quốc tế tại khu vực phía Bắc (cùng với Ga Lào Cai). Mục tiêu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa liên vận qua Ga Đồng Đăng đạt trung bình khoảng 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa vận chuyển liên vận qua Ga Đồng Đăng đạt 2,5 – 3 triệu tấn. Để đạt mục tiêu đề ra, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang tập trung toàn lực phối hợp với Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng. Theo đó, hiện tại, các đơn vị thi công đã và đang cải tạo bãi hóa trường, lắp đặt hệ thống mái che, bố trí thêm nhà kho lưu trữ hàng. Trong quý II/2024, sẽ tiếp tục mở rộng đường bộ kết nối đến bãi hóa trường và kho hàng tại Ga Đồng Đăng. Đến quý III/2024 tiếp tục đầu tư mở rộng cải tạo hệ thống đường sắt trong khu Ga Đồng Đăng... Phấn đấu đến cuối năm 2024, dự án sẽ hoàn thành để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vận hành khách và hàng hóa qua tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng…”.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Cần khẩn trương tháo gỡ
Nhằm thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo đối với các sở, ngành tăng cường kết nối logistics, vận động, mời gọi các doanh nghiệp hoạt động XNK hàng hóa qua Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng.
Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: hiện tại khu vực Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng chưa có doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics, do vậy, để đảm bảo các dịch vụ hỗ trợ hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đang đẩy mạnh kết nối hợp tác với doanh nghiệp lĩnh vực dịch vụ logistics để tham gia đầu tư vào khu vực cửa khẩu này. Đồng thời phát huy cơ chế trao đổi thông tin với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để mời gọi các doanh nghiệp của Trung Quốc thực hiện xuất, nhập hàng hóa qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng.
Cùng nội dung này, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Ban Quản lý đang trao đổi với cơ quan chức năng của Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc để bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật tại Ga Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) nhằm giúp mặt hàng hoa quả và nông sản có thể thông quan qua lại cặp cửa khẩu đường sắt giữa hai bên.
Được biết, hiện các sở, ban, ngành, lực lượng liên quan của tỉnh cũng đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực, trách nhiệm quản lý.
Ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: Bên cạnh việc đề xuất Tổng cục Hải quan trang bị thêm một số trang thiết bị phục vụ công tác giám sát, quản lý về hải quan tại Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng, Cục Hải quan tỉnh đã bố trí đầy đủ lực lượng kiểm tra, kiểm soát và làm thủ tục nhằm đảm bảo hoạt động thông quan cho hàng hóa XNK qua cửa khẩu này một cách thuận lợi nhất.
Tuy vậy, ngoài nỗ lực của các sở, ngành và cơ quan hải quan của tỉnh thì để tháo gỡ những vướng mắc ảnh hưởng đến công tác thúc đẩy hoạt động XNK hàng hóa qua Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng, vấn đề cấp thiết hiện tại là nhanh chóng đầu tư mở rộng khu vực bãi hóa trường cũng như thực hiện nâng cấp hệ thống hạ tầng của khu Ga Đồng Đăng (đồng bộ hệ thống đường ray theo khổ lồng, lắp đặt hệ thống mái che trong khu vực kiểm hóa; bố trí toa tàu đáp ứng các điều kiện để vận chuyển công-ten-nơ lạnh; xây dựng và mở rộng kho chứa hàng…).
Là người thường xuyên thực hiện XNK hàng hóa qua Cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng, chị Nguyễn Lan Anh, đại diện Công ty TNHH MTV Trường Thạch đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn) cho rằng: Các cơ quan liên quan cần có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng tại Ga Đồng Đăng nhằm nâng cao năng lực của ga trong hoạt động khai thác vận tải đường sắt, dịch vụ logistic… để giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp XNK, từ đó tăng hiệu quả thu hút doanh nghiệp thực hiện XNK hàng hóa qua cửa khẩu đường sắt này.
Thực tế, chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng đã xác định được những “rào cản” ảnh hưởng đến việc thu hút doanh nghiệp XNK thực hiện thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng. Vì thế, để nhanh chóng tháo gỡ những “rào cản” này, thời gian qua, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để phối hợp tập trung cùng tháo gỡ. Trong đó, UBND tỉnh đề nghị Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng Ga Đồng Đăng để đảm bảo nhu cầu giao thương hoàng hóa XNK; xem xét định hướng, thu hút doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tại khu ga; giải quyết kịp thời những hạn chế trong hoạt động bố trí, cung cấp toa xe chở hàng và kế hoạch chạy tàu hợp lý nhằm nâng cao năng lực thông quan hàng hóa XNK qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng…
Với những nỗ lực của các cấp chính quyền, các sở, ngành và lực lượng của tỉnh Lạng Sơn đã và đang triển khai, hy vọng những khó khăn, vướng mắc sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, từ đó giúp kim ngạch hàng hóa XNK qua cửa khẩu Ga ĐSQT Đồng Đăng được nâng lên từng năm (phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch sẽ đạt khoảng 350 triệu USD trở lên).