Thúc đẩy xúc tiến thương mại - xuất khẩu, doanh nghiệp chờ tác động từ Chỉ thị 18
Chỉ thị 18 của Thủ tướng đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng và yêu cầu các bộ ngành triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho năm 2025.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2025 về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động thương mại năm 2025. Chỉ thị đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng và yêu cầu các bộ ngành triển khai nhằm thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước cho năm nay.
Chỉ thị nhấn mạnh việc chuyển đổi từ xúc tiến thương mại theo chiều rộng sang chiều sâu. Gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống và các thị trường đã có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới... Bên cạnh đó, thị trường nội địa được xác định là một trụ cột quan trọng.
Những nội dung này được doanh nghiệp kỳ vọng góp phần giúp họ vượt qua nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều diễn biến khó lường.
Chỉ đạo kịp thời trong việc bảo vệ hàng Việt chính thống
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA)

Bà Lý Kim Chi Chủ tịch FFA.
Chúng tôi thực sự tâm đắc những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 18. Đây là một thông điệp mạnh mẽ, kịp thời trong việc bảo vệ hàng Việt chính thống, củng cố niềm tin thị trường và khẳng định vai trò trung tâm của xúc tiến thương mại (XTTM) phải gắn liền với kiểm soát chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan và xuất xứ hàng hóa trở thành yếu tố sống còn để hàng Việt hưởng ưu đãi thuế quan xuất khẩu, những định hướng thiết thực mà Chỉ thị đưa ra như đẩy mạnh chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ sở hữu trí tuệ là bước đi chiến lược, giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu và nâng tầm vị thế trên trường quốc tế.
Về vấn đề này, tôi xin lưu ý ba điểm quan trọng.
Thứ nhất, đối với thị trường xuất khẩu, Chỉ thị 18 yêu cầu đa dạng hóa thị trường, mở rộng sang các thị trường ngách như Halal (chứng nhận Halal của các nước có đạo Hồi), Bắc Phi, Mỹ Latin… Đây là định hướng đúng đắn và kịp thời. Cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng đồng hành cùng các chương trình XTTM do Bộ Công Thương, Sở Công Thương tổ chức.

ITPC phối hợp với Thương vụ Việt Nam tổ chức Cụm gian hàng chung TP.HCM tại triển lãm Quốc tế về thực phẩm The Saudi Food Show năm 2025.
Tuy nhiên, điều doanh nghiệp cần là một kế hoạch hành động cụ thể được công bố ngay từ đầu năm, bao gồm: mặt hàng, thị trường mục tiêu, hình thức hỗ trợ và kinh phí… để có cơ sở chủ động lựa chọn chương trình phù hợp. Trên thực tế, đây là điểm yếu kéo dài nhiều năm qua khiến doanh nghiệp bị động và thiếu thông tin.
Chẳng hạn, với những mặt hàng Việt Nam có lợi thế nhân công nhưng lại phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, việc xúc tiến thiếu chọn lọc vào thị trường như Mỹ sẽ đối mặt với rủi ro lớn.
Đáng chú ý, Chỉ thị cũng nêu rõ yêu cầu tăng cường XTTM hướng đến thị trường mới và thị trường ngách như Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Brazil… Với ngành lương thực thực phẩm, tôi tin rằng đây là cơ hội rất lớn cho các sản phẩm như lúa gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm hữu cơ.
Thứ hai, với nhập khẩu, Chỉ thị nhấn mạnh việc lựa chọn nguyên liệu, linh kiện đầu vào phù hợp với định hướng xuất khẩu. Đây là một khía cạnh mà lâu nay chúng ta chưa thực sự làm tốt.
Nếu chúng ta tiếp tục nhập khẩu linh kiện, nguyên liệu giá rẻ mà không xuất phát từ chiến lược tiếp cận thị trường, hàng Việt sẽ khó được hưởng ưu đãi và mất đi lợi thế cạnh tranh.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Công Thương sẽ có những khuyến nghị cụ thể hơn: chẳng hạn với thị trường Mỹ thì nên nhập nguyên liệu từ đâu, với thị trường EU linh kiện nào giúp tối ưu hóa thuế quan… Những thông tin này rất quan trọng để doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược, tiết kiệm thời gian và chi phí “thử và sai”.
Cuối cùng, thị trường nội địa phải là nơi khẳng định thương hiệu. Chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, triển khai các chương trình khuyến mại tập trung, tăng cường kết nối cung cầu và thúc đẩy chuyển đổi số trong phân phối. Đây là những giải pháp rất sát thực tiễn.
Cần nhấn mạnh rằng, thị trường nội địa là trụ cột chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xuất khẩu tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng khi tổ chức XTTM cần đặc biệt quan tâm đến khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là khối doanh nghiệp rất cần sự dẫn dắt bài bản, kịp thời từ Bộ Công Thương, các Sở Công Thương và hệ thống trung tâm XTTM.
Cùng với đó là chính sách hỗ trợ kinh phí phù hợp để doanh nghiệp nhỏ có thể tham gia. Chỉ khi đó, các chương trình XTTM mới thực sự phát huy hiệu quả và tạo ra chuyển biến thiết thực.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA
Ngành rau quả, một năm được tham gia XTTM hai lần
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam
Công tác XTTM thời gian qua đã được Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp & Môi trường triển khai rất tốt nhưng do kinh phí hạn chế, số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách còn rất ít.
Mỗi năm Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ được tham gia hai chương trình XTTM với tổng cộng khoảng 30 doanh số. Con số này là quá nhỏ so với số lượng hội viên.
Vì vậy, các chỉ đạo trong Chỉ thị 18 của Thủ tướng là vô cùng cần thiết, nhất là khi các doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở những thị trường truyền thống như Mỹ và Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc từng chiếm tới 64% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm, việc siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng đã khiến kim ngạch mặt hàng này trong sáu tháng đầu năm sụt giảm gần 60%.
Điều này cho thấy sự biến động ở một thị trường chủ lực có thể tác động đến cả ngành hàng. Do đó, mở rộng sang các thị trường tiềm năng, đa dạng hóa thị trường là giải pháp bền vững.
Tuy nhiên, để vào được thị trường mới tiềm năng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan xúc tiến, doanh nghiệp...
Mặt khác, để giữ được thị trường, vấn đề quan trọng hơn cả là chất lượng. Gần đây, chất lượng nông sản Việt Nam được quan tâm đặc biệt sau các cảnh báo về kim loại nặng (cadimi), chất cấm (vàng O) từ Trung Quốc, hay các quy định ngặt nghèo về thuốc bảo vệ thực vật từ Mỹ và châu Âu.
Do đó, bên cạnh XTTM, nâng cao chất lượng nông sản là nhiệm vụ sống còn. Câu chuyện của quả sầu riêng là bài học kinh nghiệm sâu sắc. Có những thời điểm trong năm 2024, sầu riêng Việt Nam chiếm 40% thị phần tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại con số này chưa tới 10% nên cơ hội đã dành cho các quốc gia khác như Thái Lan quay lại chiếm lĩnh 80% thị phần. Điều này cho thấy, yếu tố quyết định để giữ thị phần chính là chất lượng.
Ngành dệt may: Cần chiến lược phát triển từ vùng nguyên liệu
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM, Tổng Giám đốc Công ty Việt Thắng Jean.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP.HCM
Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành rất kịp thời, trở thành nguồn động viên lớn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Hiện nay, các hiệp hội ngành hàng đang tích cực xúc tiến việc hình thành các câu lạc bộ, tạo chuỗi liên kết để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa “Made in Vietnam”.
Nỗ lực này xuất phát từ việc các doanh nghiệp và hiệp hội nhận thấy lợi ích rõ rệt trong việc chứng minh nguồn gốc xuất xứ, qua đó xây dựng thương hiệu trong nước, tiến tới thương hiệu quốc gia.
Các doanh nghiệp và hiệp hội cũng đang khai thác tốt lợi thế từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.
Chúng tôi đang tích cực phân loại sản phẩm để xác định thị trường phù hợp, đồng thời mở rộng sang nhiều thị trường mới theo định hướng của Thủ tướng, tránh phụ thuộc vào một khu vực duy nhất.
Việc thâm nhập một thị trường mới rất tốn thời gian. Đơn cử Việt Thắng Jean đã thâm nhập thị trường Úc, Canada năm nay là năm thứ hai tỉ lệ tăng trưởng rất ít.
Do đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần được thiết kế riêng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Mặt khác, hạn chế lớn nhất của ngành dệt may là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước. Do đó, để ngành phát triển bền vững, Nhà nước cần có một chiến lược dài hơi, bắt đầu từ việc phát triển vùng nguyên liệu, đi đôi với đầu tư vào thiết bị, công nghệ hiện đại.
Thông thường doanh nghiệp cần từ sáu tháng đến 2 năm để hấp thụ chính sách. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ có nhiều thương hiệu mạnh, đủ sức phục vụ thị trường nội địa và vươn ra quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu kép là thúc đẩy thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu theo Chỉ thị 18, Bộ Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc.
Trong đó, Vụ Thị trường ngoài nước phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu sâu các cam kết trong các FTA... từ đó tham mưu chính sách giúp doanh nghiệp tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan.
Đồng thời, vụ cần đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tiếp cận và mở rộng thị trường, đặc biệt là các khu vực có FTA thế hệ mới.
Bộ yêu cầu Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy mạnh quảng bá, nâng cao nhận diện về chất lượng hàng Việt Nam và xây dựng các điểm bán hàng Việt.
Tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, phiên chợ đưa hàng Việt về vùng sâu, vùng xa nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng tốt, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước.