Thúc động lực tăng trưởng từ các 'quả đấm thép'

Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là những tập đoàn, tổng công ty lớn, cần được tập trung tháo gỡ để tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Doanh nghiệp nhà nước gánh vai trò quan trọng trong đầu tư công

Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển, tổ chức ngày 14/9 vừa qua, đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về khu vực doanh nghiệp quan trọng này.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có gần 680 doanh nghiệp nhà nước, trong đó có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Dù chiếm số lượng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, song khu vực doanh nghiệp nhà nước nắm giữ lượng tài sản rất lớn, với hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng).

Riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn có tổng vốn điều lệ trên 1,55 triệu tỷ đồng và chiếm 10% tổng quy mô vốn chủ sở hữu và chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất - kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước.

Trong bối cảnh đầu tư tư nhân hạn chế, việc thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ là động lực cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước duy trì được sự ổn định và hiệu quả trong bối cảnh khu vực khác có sự giảm tốc. Số liệu tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong nửa đầu năm nay, tổng doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; tổng lợi nhuận trước thuế 67.403 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm.

Tổng lỗ phát sinh của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng là 33.639 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp trung ương như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ 32.055 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ 1.317 tỷ đồng.

Dự kiến cả năm 2023, tổng doanh thu của toàn khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 1.416.880 tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; tổng lãi trước thuế đạt 117.388 tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đặt ra. Trong đó, các doanh nghiệp phát sinh lỗ khoảng 41.666 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở khối doanh nghiệp trung ương như EVN lỗ phát sinh 37.062 tỷ đồng, Vietnam Airlines lỗ 4.515 tỷ đồng.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung thúc đẩy có trọng tâm, trọng điểm ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; tiếp tục củng cố, phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, vực dậy lĩnh vực công nghiệp, trong đó tập trung cho lĩnh vực chế biến, chế tạo, tháo gỡ khó khăn thị trường, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng...

Để thực hiện được mục tiêu trên, đầu tư công, trong đó có khu vực doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Năm 2023, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước (CMSC) dự kiến đầu tư khoảng 260.000 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp nhóm này đã giải ngân hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% kế hoạch năm, tăng 22% so với 7 tháng đầu năm 2023. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các doanh nghiệp do CMSC quản lý trong các tháng cuối năm và các năm tiếp theo dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư và các vướng mắc, khó khăn dần được giải quyết.

“Mạnh dạn hơn nữa để tạo đột phá mới”

Thủ tướng giao nhiệm vụ cho khối doanh nghiệp nhà nước, theo đó, phải đóng vai trò rất quan trọng trong dẫn dắt, mở đường, phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ để tập trung cho đầu tư phát triển trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu trong đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung cho chuyển đổi số, chuyển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, những ngành mới nổi.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhóm này cần khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới, nhất là Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước ASEAN...; nâng cao tính tự lực, tự cường, tự vươn lên, phát triển bằng nội lực, “biến những điều không thể thành có thể”…

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện chủ sở hữu “đồng hành, kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp”.

“Cần theo dõi sát tình hình trong và ngoài nước, những vấn đề tích tụ đã nhiều năm, kịp thời đưa ra chính sách, giải pháp sát tình hình, khả thi và hiệu quả cao; đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu Nhà nước; Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu sửa đổi quy định về chuyển mục đích sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để tạo điều kiện thực hiện đầu tư trong lĩnh vực liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặt hàng các sản phẩm mới, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Trong khi đó, nhiệm vụ được đặt ra với CSMC là tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc, phê duyệt kế hoạch, chương trình, đặc biệt là kế hoạch sản xuất - kinh doanh và đầu tư phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước trực thuộc, thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; chủ động, quyết liệt trong xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu…

“Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có quan hệ cộng sinh, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, nút thắt về tín dụng, nguồn vốn.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước kỳ vọng, sau Hội nghị, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp quan trọng này.

Đinh Ngọc

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/thuc-dong-luc-tang-truong-tu-cac-qua-dam-thep-post329982.html