Thực dưỡng trị bệnh sán chó, thực hư thế nào?
Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện nhiều đoạn clip giới thiệu cách trị sán chó bằng cách ăn thực dưỡng. Vậy thực dưỡng có điều trị được bệnh nhiễm sán chó không?
Nội dung
1. Sán chó là gì?
2. Bệnh sán chó có nguy hiểm không?
3. Điều trị sán chó
4. Phòng ngừa nhiễm sán chó
Trên Tik Tok lan truyền một clip hướng dẫn trị bệnh sán chó bằng phương pháp thực dưỡng, cần thay đổi chế độ ăn, cụ thể phải chuyển qua "Ăn ròng số 7, ăn 100% gạo lứt muối mè, khi ăn nhai thật kỹ, giữ trong khoang miệng từ 20- 30 phút cho đến khi thành nước rồi mới nuốt. Kết hợp với uống bột sắn dây, thời điểm uống trước khi đi ngủ và buổi sáng thức dậy khi bụng còn đói. Thứ ba là về thời gian phải thực hiện liên tục trong 2 tháng".
Clip cũng giới thiệu phương pháp này là bài giảng của thầy Tuệ Hải và đề nghị mọi người nên theo dõi trang thực dưỡng chữa lành tự nhiên để nâng cao sức khỏe.
Không ít người đã tìm đến phương pháp ăn thực dưỡng với mong muốn chữa lành từ mụn nhọt ngoài da đến khối u. Trong phạm vi bài viết này không phân tích về phương pháp ăn thực dưỡng mà chỉ đề cập đến phương pháp chữa bệnh sán chó bằng thực dưỡng đang lan truyền trên mạng xã hội.
Phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống đã trao đổi với PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh - Trưởng bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), Trưởng khoa Vi sinh - Ký sinh trùng (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và được PGS. Phạm Ngọc Minh cho biết nhiễm sán chó là một bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, điều trị sán chó bằng cách ăn "thực dưỡng" là không có cơ sở khoa học.
Dưới đây là những thông tin về bệnh sán chó và cách điều trị bệnh do PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh cung cấp.
1. Sán chó là gì?
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh cho biết, sán chó hay còn gọi là sán dây chó, sán dải chó, sán dây bọ chét, sán dây dưa chuột, sán dây hai lỗ và có tên khoa học Dipylidium Caninum, là một loại sán thường ký sinh ở chó và mèo. Loài sán này cũng có thể tìm thấy ở người, nhất là trẻ em.
Sán chó có màu hồng nhạt, dài khoảng 10-70cm với 175 đốt hình elip hoặc đốt dài. Những đốt sán ở gần đầu thường ngắn và mảnh, rộng khoảng 0,2mm. Các đốt sán chưa trưởng thành ở gần cổ thì có chiều rộng hơn chiều dài, khi trưởng thành sẽ trở nên vuông hơn. Đến khi già các đốt sán có kích thước 27x12mm và chứa trứng.
Mỗi đốt sán già chứa cả cơ quan sinh dục đực và cái, nằm hai bên của đốt sán. Tinh hoàn của các đốt sán trưởng thành chứa từ 100 - 200 nang trứng, mỗi nang trứng có 8 - 15 trứng. Vỏ trứng sán mỏng, hình cầu, có kích thước từ 35 - 40mm, có phôi sán chứa 3 đôi móc. Tử cung ở các đốt sán phát triển như hình mạng lưới với buồng trứng có tuyến noãn hoàng.
Đầu sán hình thoi, có kích thước 0,25 - 0,5mm, với 4 đĩa hút hình chén. Vòi sán chó có hình gậy, miệng vòi mang 1 - 7 hàng răng. Tùy thuộc vào tuổi của sán mà hàng răng ở miệng vòi có thể nhô ra hoặc thụt vào.
2. Bệnh sán chó có nguy hiểm không?
Bệnh sán dây chó phát triển âm thầm trong cơ thể, không có dấu hiệu đặc trưng nên thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó thường ít được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Các trường hợp nhiễm sán chó chủ yếu là ở trẻ em. Đa số các trường hợp nhiễm chỉ có một sán nhưng cũng có thể gặp nhiều sán ký sinh trên một người.
Những thương tổn của sán gây ra chủ yếu là viêm ở ruột. Triệu chứng của bệnh thường là rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn cũng có thể đau đầu, mệt mỏi...
Nếu không phát hiện kịp thời, bệnh sán chó sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: mệt mỏi thường xuyên, giảm cân, tiêu chảy, ngứa xung quanh hậu môn, suy nhược, thiếu máu. Do đó, khi gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, dị ứng… nên đi khám để sớm phát hiện bệnh nhiễm sán chó và điều trị kịp thời.
3. Điều trị sán chó
Điều trị bệnh sán chó phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng và các cơ quan bị ảnh hưởng. Ở các giai đoạn nhẹ như mới xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, đau bụng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và yêu cầu điều chỉnh chế độ sinh hoạt, không được tiếp xúc với chó mèo, sử dụng các thực phẩm sạch và ăn uống hợp vệ sinh.
Bác sĩ điều trị sẽ hẹn lịch tái khám xét nghiệm lại cho người bệnh để điều chỉnh thuốc cũng như thông báo cho người bệnh biết tình trạng mức độ bệnh hiện tại.
Trong thời gian chữa trị, người bệnh ăn uống sinh hoạt bình thường, sử dụng thuốc theo hướng dẫn, không sử dụng bia, rượu, không hút thuốc lá. Cần ăn chín, uống sôi, uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Không nên thực hiện hướng dẫn điều trị bệnh sán chó bằng ăn thực dưỡng trên các nền tảng xã hội vì không có cơ sở khoa học nào chứng minh thực dưỡng có thể điều trị nhiễm sán chó ở người và có thể bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh sớm.
4. Phòng ngừa nhiễm sán chó
PGS.TS.BS Phạm Ngọc Minh khuyên, để phòng bệnh sán chó, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
Rửa sạch trái cây và rau sống trước khi ăn. Thực hiện việc ăn chín uống sôi.
Thường xuyên giữ gìn vệ sinh khi tiếp xúc hay chơi đùa với chó.
Không hôn chó hoặc để chó liếm lên mặt.
Không cho chó đi vệ sinh gần vườn rau, khu vui chơi trẻ em.
Đảm bảo nuôi chó tránh xa khu vực giết mổ động vật.
Không cho chó ăn nội tạng chưa nấu chín.
Vứt bỏ nội tạng bị nhiễm bệnh bằng cách chôn sâu hoặc đốt để tránh bị chó hoặc các loài chó khác ăn.
Nên đưa chó mèo đi thăm khám định kỳ, tẩy giun sán định kỳ cho chó mèo nuôi cũng như là điều trị triệt để khi phát hiện chó mèo bị nhiễm sán. Bệnh sán chó dễ dàng lây từ chó sang người mặc dù ít gặp nhưng vẫn phải phòng ngừa và đặc biệt quan tâm.
Việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tính mạng con người.