Thực hành ESG hướng đến kinh doanh bền vững

Triển khai thực hành sáng kiến ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển...

Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thực hành ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thực hành ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiều 6/4, tại thành phố Cần Thơ, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức hội thảo “Kinh doanh bền vững: Chìa khóa tạo lợi thế cạnh tranh”.

Hội thảo là hoạt động hỗ trợ kỹ thuật thuộc Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 của Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm xã hội, đồng thời góp phần thực hiện Quyết định 167/QĐ-TTg 2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; đồng thời hướng tới mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng các yêu cầu về phát triển xanh – bền vững trong sản xuất, thâm nhập thị trường quốc tế cũng như gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia đến từ Dự án IPSC, Quỹ đầu tư, Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI) Việt Nam, và đại diện các doanh nghiệp đã cập nhật cho doanh nghiệp Việt Nam những xu hướng và thực tiễn trong áp dụng ESG (môi trường, xã hội và quản trị), các cơ hội và nguồn lực hỗ trợ cho khu vực tư nhân trong việc triển khai áp dụng ESG vào thực tiễn doanh nghiệp; chia sẻ về các nội dung liên quan đến đón đầu xu hướng thông qua thực hành ESG, thực tiễn áp dụng thực hành ESG trong doanh nghiệp Việt Nam, mở rộng thị trường và tham gia chuỗi cung ứng bền vững, tiếp cận tài chính xanh và bền vững tại Việt Nam và những cơ hội, nguồn hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc triển khai áp dụng ESG.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi triển khai thực hành ESG trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển...

Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital, để ứng dụng ESG, trước hết doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, xem đây là cơ hội chứ không phải đây là mối đe dọa và từ đó có thể thực hiện một cách chủ động.

Tuy nhiên, hiện nay, những cơ hội chưa được khai thác khi triển khai thực hành ESG: giảm chi phí vốn, giảm rủi ro pháp lý, mở rộng khách hàng, tỷ suất lợi nhuận cao hơn; thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển,... Vì vậy, các doanh nghiệp nên chú trọng giải quyết các vấn đề này để hướng tới kinh doanh bền vững.

Ông Nguyễn Quý Hạnh, chuyên viên tư vấn cao cấp ERM cho biết, các nhà đầu tư quốc tế ngày càng có nhiều ưu tiên và kỳ vọng về ESG. Bối cảnh ESG ở Việt Nam hiện nay rất sôi động, các doanh nghiệp Việt Nam đang đưa rủi ro khí hậu và ESG vào trong chiến lược kinh doanh và quản trị. Đây vừa là thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp thực hành ESG.

Dịp này, Ban tổ chức cũng giới thiệu chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 – Đợt 1 sẽ cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn chuyên sâu có trị giá lên tới 2 tỷ đồng cho Top 3 doanh nghiệp giành chiến thắng chung cuộc để thí điểm, triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững xuất sắc nhất.

Đối tượng tham gia Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 gồm: các doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, và hộ kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực gồm nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp chế biến và chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, du lịch và sản phẩm hỗ trợ; cam kết hành động để chuyển đổi, nhân rộng sáng kiến kinh doanh bền vững./.

Thu Hiền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thuc-hanh-esg-huong-den-kinh-doanh-ben-vung/286910.html